Sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt, thậm chí không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được bày bán tại hệ thống nhà sách Minh Thuận, Hà Nội.
Thông qua đường dây nóng của Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), nhiều độc giả phản ánh, hệ thống nhà sách Minh Thuận kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa từ nước ngoài không có nhãn phụ tiếng Việt. Thậm chí, nhiều sản phẩm thiếu tem, nhãn nhất là sản phẩm đồ chơi trẻ em.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, PV Chất lượng Việt Nam đã tiến hành ghi nhận thực tế tại 2 cơ sở bán hàng của hệ thống nhà sách này trên đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) và 115 phố Đội Cấn (Quận Ba Đình). Tại 2 cơ sở này, rất nhiều mặt hàng được bày bán từ hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng đến cả thực phẩm dành cho trẻ em, đồ chơi trẻ em có dấu hiệu sai phạm trong quy định về nhãn hàng hóa.

Cụ thể, các sản phẩm thực phẩm ăn liền như xúc xích, chân gà cay, chân vịt cay, các loại bánh…, trên bao bì sản phẩm chỉ ghi những dòng chữ tiếng nước ngoài chứ không có nhãn phụ tiếng Việt để người mua hàng có thể kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng, thành phần và cách sử dụng. Chưa kể, một vài sản phẩm như cơm cháy hay đồ ăn vặt dành cho trẻ không có nhãn mác.
Việc sản phẩm không có nhãn phụ tiếng Việt, không nhãn mác liệu người tiêu dùng có an tâm khi sử dụng sản phẩm mua tại nhà sách Minh Thuận?.

Chưa kể, tại hệ thống nhà sách này nhiều sản phẩm đồ chơi trẻ em thiếu tem hợp quy theo quy định của pháp luật.
Nói tới tác hại của đồ chơi kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, một chuyên gia thuộc Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam cho biết, sở dĩ đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc không qua kiểm định bị coi là nguy hiểm vì chúng thường sản xuất từ nhựa tái chế được bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE ( phthalic acid esters) – hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Do cơ thể trẻ rất nhỏ nên khi ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ bị tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của bé.
Ngoài chất độc trên, các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được phát hiện chứa lượng lớn thành phần kim loại nặng, cực độc hại đối với con người như chì, crôm, mangan, thủy ngân, cadimi… Khi ở nhiệt độ cao hoặc trong một khoảng thời gian nhất định, các chất độc hại này có thể bị phát tán ra ngoài và trực tiếp xâm nhập vào cơ thể bé thông qua da, miệng, hô hấp. Đặc biệt, nếu tiếp xúc với món đồ chơi kém chất lượng lâu dài có thể gây mẫn cảm mạnh, phản ứng dị ứng, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới gan và thận.

Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN 3:2019/BKHCN. Theo Quy chuẩn này, các loại đồ chơi trẻ em phải có nhãn hàng hóa theo quy định hiện hành. Nội dung ghi nhãn phải rõ ràng, dễ đọc, khó tẩy xóa và theo quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐCP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!
|
theo Nhóm PV (VietQ)