05/04/2022 16:55 | gocnhinonline

GNO- Dù được kỳ vọng lớn nhưng dự án KN Paradise (Khánh Hòa) liên tục ghi nhận lỗ ròng tăng dần những năm qua. Điều này đã đặt ra cho đại gia, Anh hùng lao động Lê Văn Kiểm – ông chủ của KN Investment Group một áp lực trả nợ khi mà các doanh nghiệp trong hệ sinh thái KN Investment Group liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu thời gian qua.

Không quá kín tiếng, thi thoảng vẫn xuất hiện trên truyền thông, tuy nhiên các thông tin về tiềm lực tài chính hay kết quả hoạt động kinh doanh của hệ sinh thái KN Investment Group của nhà đại gia, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Lê Văn Kiểm vẫn còn là điều bí ẩn với giới đầu tư.

Hình ảnh KN Paradise (Khánh Hòa) ở thời điểm hiện tại

Thua lỗ ở bất động sản

Dự án làm nên tên tuổi của đại gia -Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Lê Văn Kiểm và KN Investment Group trong lĩnh vực bất động sản là dự án Sân Golf Long Thành do Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Golf Long Thành này lại không mấy tươi sáng.

Theo đó, trong giai đoạn 2017-2019, doanh thu của Golf Long Thành “trồi sụt” quanh ngưỡng 500-700 tỷ đồng và lợi nhuận vẫn giữ được con số dương. Thế nhưng, bước sang năm 2020, doanh nghiệp này lại ghi nhận khoản lỗ ròng gần 9 tỷ đồng dù doanh thu tăng vọt lên hơn 3.100 tỷ đồng.

Một cái tên khác cũng hoạt động trong lĩnh vực bất động sản của hệ sinh thái KN Investment Group là Công ty TNHH KN Cam Ranh chủ đầu tư siêu dự án KN Paradise tại Khánh Hoà (trước đây là Khu đô thị nghỉ dưỡng The Lotus Cam Ranh) – công ty con của Golf Long Thành.

Trong 3 năm gần nhất, doanh thu thuần của KN Cam Ranh tăng từ 5,17 tỷ năm 2018 lên hơn 53 tỷ đồng năm 2020.

Hình ảnh khu dự án KN Paradise năm 2015

Tuy nhiên, cùng với doanh thu, khoản lỗ của doanh nghiệp này cũng nới rộng. Đến năm 2018, chủ đầu tư của KN Paradise lỗ ròng gần 29 tỷ đồng, con số này tăng lên 30,2 tỷ đồng vào năm 2019 và tăng mạnh lên hơn 132 tỷ đồng vào năm 2020.

Năng lượng tái tạo chưa thấy lợi nhuận

Ngoài bất động sản, vị đại gia sinh năm 1945 còn hướng mũi nhọn đầu tư vào một lĩnh vực khác, là năng lượng tái tạo. Đây là lĩnh vực được nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thời gian qua và đang trở thành một trong những mảng kinh doanh trọng tâm của hệ sinh thái KN Investment Group.

Tuy nhiên, cũng như bất động sản, mảng kinh doanh này chưa cho thấy một triển vọng tươi sáng.

Đơn cử như Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh hiện đang quản lý Dự án nhà máy điện mặt trời KN Vạn Ninh (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa). Dự án KN Vạn Ninh được xây dựng trên diện tích 120 ha với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, tổng công suất lắp đặt 100 MWp.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của KN Vạn Ninh đạt gần 2.300 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu hơn 746 tỷ đồng. Tuy nhiên đến 2020, KN Vạn Ninh vẫn chưa mang lại một đồng lợi nhuận nào.

Cụ thể, kể từ khi thành lập đến năm 2020, doanh thu của KN Vạn Ninh bằng 0 đồng. Trong đó, khoản lỗ mỗi năm ghi nhận vài chục triệu, cá biệt có năm 2020 lỗ ròng hơn 300 triệu đồng.

Năm 2017 đại gia Lê Văn Kiểm cho thành lập hai công tay là Công ty TNHH KN Floating Cam Thượng và Công ty TNHH KN Floating Suối Dầu. Hai công ty này cùng có địa chỉ đăng ký tại tại Bãi Dài (Phường Cam Nghĩa, Thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa), cùng hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, truyền tải, phân phối điện và cũng do bà Lê Nữ Thùy Dương – con gái ông Lê Văn Kiểm là đại diện pháp luật.

Đáng nói là cả hai công ty này cùng đăng ký mức vốn điều lệ 240 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2020 cả hai công ty vẫn chưa hoàn thành việc góp vốn.

Hai công ty này đều ghi nhận doanh thu bằng 0 đồng và lỗ ròng vài triệu đồng mỗi năm.

Doanh nghiệp cứ “sang tay” lại sinh lời?

Trái ngược hoàn toàn với tình cảnh bết bát của các công ty đang là thành viên của KN Investment Group, những doanh nghiệp mà ông Lê Văn Kiểm đã bán cho đối tác khác đều ghi nhận tăng trưởng liên tục những năm gần đây.

Như trường hợp Công ty CP Điện mặt trời KN Cam Lâm hiện ghi nhận quy mô tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng, với hơn 70% là vốn vay. Đầu năm 2019, Hanwha Energy Corporation Singapore Pte Ltd (Hanwha Energy) – một thành viên của Hanwha Group, tập đoàn kinh tế hàng đầu tại Hàn Quốc đã mua 70% cổ phần của KN Cam Lâm, nhóm cổ đông Lê Văn Kiểm chỉ giữ 30% còn lại.

Từ khi Hanwha Energy tham gia, doanh thu của KN Cam Lâm lần lượt đạt 80 tỷ vào năm 2019 và 148 tỷ đồng vào năm 2020. Lãi ròng tăng từ 8 tỷ năm 2019 lên hơn 38 tỷ đồng vào năm 2020.

Tương tự, Nhà máy điện mặt trời Cam Lâm VN do Công ty CP Cam Lâm Solar làm chủ đầu tư cũng được Hanwha Energy mua lại 70% cổ phần. Đáng nói là dù chỉ hoạt động trong nửa cuối năm 2019 nhưng Cam Lâm Solar vẫn ghi nhận doanh thu thuần 75,89 tỉ đồng và lãi thuần là 6,7 tỉ đồng trong năm 2019.

Cảnh báo từ khoản nợ trái phiếu

Một vấn đề khác của hệ sinh thái này khiến giới tài chính không khỏi băn khoăn chính là việc các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của ông Lê Văn Kiểm đang đẩy mạnh huy động hàng nghìn tỷ đồng qua kênh trái phiếu.

Những “chủ nợ” ôm trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái KN Investment Group liệu có “bất an” khi tình hình kinh doanh dường như ngày càng yếu kém.

Cụ thể, năm 2020 KN Vạn Ninh đã lên kế hoạch huy động 1.280 tỷ đồng trái phiếu. Tuy nhiên Công ty CP Chứng khoán MB và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) chỉ thu xếp phát hành được 684,8 tỷ đồng trái phiếu cho KN Vạn Ninh với kỳ hạn 11 năm.

Năm 2021, KN Cam Ranh đã phát hành 2 đợt trái phiếu với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng; Golf Long Thành cũng chào bán thành công lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng với kỳ hạn 3 năm.

Số tiền huy động được của KN Cam Ranh được cho là dùng để thực hiện dự án KN Paradise với tổng mức đầu tư lên tới 46.000 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án này lại đang vướng không ít lùm xùm từ vấn đề trong xây dựng tới “gốc gác” của khu đất.

Theo đó, KN Paradise có quy mô cấp phép là 794,5ha, nằm giữa Sân bay và Quân cảng Cam Ranh có nguồn gốc là đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý với thời hạn lên tới 70 năm. Sau khi được Khánh Hoà chấp thuận đầu tư vào năm 2016, dự án KN Paradise Cam Ranh nhanh chóng xin thay đổi quy hoạch, lần lượt bổ sung sân golf rồi casino.

Tuy nhiên, hiện nhiều sàn giao dịch bất động sản đang quảng bá dự án KN Paradise có diện tích lên gần 1.000 ha. Trong khi tại Quyết định số 1371/QĐ-UBND của UBND tỉnh Khánh Hòa vào ngày 12/6/2020 vẫn cho thấy, dự án này chỉ được giao 794,5 ha.

Qua một số hình ảnh thực tế, có dư luận cho rằng, diện tích mặt biển tại dự án này đã thay đổi lớn so với thời điểm trước khi KN Cam Ranh được cấp phép.

Thực trạng khu vực biển này đã được doanh nghiệp san lấp như thế nào, liệu có đúng quy định của pháp luật cũng là điều mà dư luận và nhà đầu tư quan tâm khi nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt qua từng năm?. Tính pháp lý của dự án này thế nào vẫn là một câu hỏi chưa có câu trả lời cụ thể.

Với những gì đang tồn tại, không ít nhà đầu tư phải đặt câu hỏi về tính thực chất với các dự án do đại gia Lê Văn Kiểm thực hiện, doanh nghiệp này có ý định triển khai dự án thực sự, hay chỉ đơn thuần là xin dự án và tìm đối tác bán lại?.

Ngoài ra, với tình hình được cho là “bết bát” như hiện nay, KN Investment sẽ làm thế nào để xử lý những khoản nợ trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng?.

Hàn Di (t/h)/theo markettimes

Bài viết cùng chuyên mục