26/02/2022 08:50 | gocnhinonline

GNO- Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu (Dự án LNG Bạc Liêu) vừa có kế hoạch khởi công vào quý II/2022 và các vướng mắc đang được đề xuất hướng xử lý triệt để.

Vẫn là kế hoạch

Trong cuộc gặp gỡ báo chí mới đây, ông Phạm Văn Thiều, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho hay, hiện Dự án LNG Bạc Liêu 3.200 MW còn một số vướng mắc về thủ tục với các nhóm vấn đề là chuyển giá khí LNG sang giá bán điện, bao tiêu sản lượng điện, bảo đảm đường dây truyền tải, đấu nối; chuyển đổi ngoại tệ, bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng mua bán điện PPA…

Gỡ vướng về thủ tục tại Dự án LNG Bạc Liêu

Trước thực tế trên, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, sẽ tích cực phối hợp với nhà đầu tư làm việc với các bộ, ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng Chính phủ xử lý các vấn đề còn vướng mắc, cố gắng hoàn tất thủ tục để khởi công Dự án trong quý II/2022 và hoàn thành giai đoạn I (800 MW) trong năm 2024.

Như vậy, Dự án LNG Bạc Liêu có tổng mức đầu tư dự kiến 93.600 tỷ đồng, được trao giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 1/2020 vẫn chưa thể hoàn tất được các thủ tục chuẩn bị đầu tư để tiến tới bước chính thức khởi công xây dựng sau hơn 2 năm triển khai.

Trong khi đó, theo kế hoạch ban đầu, nhà đầu tư có 12 tháng kể từ ngày cấp giấy chứng nhận đầu tư (đến hết năm 2020) để hoàn thành thủ tục chuẩn bị đầu tư. Tiếp đó, nhà đầu tư có 36 tháng để triển khai xây lắp, lắp đặt đường đưa khí vào bờ và vận hành tổ máy turbin khí giai đoạn I vào cuối năm 2023. Sau đó, tiếp tục xây lắp và vận hành các tổ máy còn lại để đạt công suất 3.200 MW cuối năm 2027 như Quy hoạch điện VII (điều chỉnh).

Gỡ rối tơ vò

Trong báo cáo mới đây gửi Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư với Dự án LNG Bạc Liêu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhà đầu tư đang gặp vướng mắc trong đề xuất cơ chế “bảo đảm thực hiện dự án đầu tư” và phê duyệt đấu nối truyền tải điện, cũng như thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án.

Trước thực tế Dự án liên quan đến một số đặc thù của ngành điện; quy định tại các thông tư trong lĩnh vực điện chưa xử lý được những vấn đề đặc thù của Dự án, trong đó có yêu cầu về việc đáp ứng các điều kiện cho vay của ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện Dự án là cần thiết.

Bởi vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Phó thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt xem xét, có ý kiến chỉ đạo với Dự án về các vấn đề cụ thể. Theo đó, cam kết về luật áp dụng, cơ quan giải quyết tranh chấp và ngôn ngữ PPA, bảo đảm đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật được cho là vấn đề thuộc thẩm quyền của EVN và nhà đầu tư. Vì vậy, EVN đã được đề nghị giao nghiên cứu, đàm phán với nhà đầu tư theo đúng thẩm quyền, quy định tại khoản 5, Điều 4 và khoản 3, Điều 14, Luật Đầu tư; Điều 20 Thông tư số 57/2020/TT-BTC và quy định liên quan.

Với cam kết về chuyển đổi ngoại tệ, Ngân hàng Nhà nước được đề nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế hỗ trợ chuyển đổi một phần ngoại tệ của Dự án trên cơ sở khả năng cân đối ngoại tệ của Việt Nam, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định của Điều 11, Luật Đầu tư và khoản 2, Điều 3, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP.

Đối với cam kết về bảo đảm nghĩa vụ thanh toán cho EVN và bồi thường thiệt hại khi chấm dứt hợp đồng mua bán điện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, EVN và cơ quan liên quan đề xuất cụ thể và báo cáo Thủ tướng Chính phủ nội dung này, phù hợp với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước và sản xuất – kinh doanh tại doanh nghiệp.

Đối với việc chuyển giá khí LNG sang giá bán điện, bao tiêu sản lượng điện và bảo đảm đường dây truyền tải, EVN được đề xuất sẽ nghiên cứu, đàm phán nội dung này với nhà đầu tư theo quy định của Thông tư số 25/2016/TT-BCT, Thông tư số 45/2018/TT-BCT và Thông tư số 57/2020/TT-BCT phù hợp với điều kiện thực tế của Dự án, báo cáo Bộ Công thương để được hướng dẫn trong trường hợp vượt thẩm quyền, đảm bảo Dự án triển khai đúng tiến độ, phù hợp với quy hoạch điện.

Đối với cam kết về thế chấp quyền sử dụng đất và nội dung hợp đồng thuê đất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị, nhà đầu tư nghiên cứu, thực hiện theo đúng quy định của pháp luật đất đai.

theo Thanh Hương/baodautu

Bài viết cùng chuyên mục