Tòa án Công lý châu Âu vừa tuyên bố khách mua xe Volkswagen bị cài phần mềm gian lận khí thải có thể kiện nhà sản xuất ô tô Đức này ngay tại nước mà họ mua xe, chứ không chỉ riêng ở Đức như trước.
Toà án Công lý châu Âu từng được yêu cầu xem xét đơn kiện của một tổ chức bảo vệ người tiêu dùng đại diện cho 574 chủ xe tại Áo gửi lên toà án nước này đòi Volkswagen phải chịu trách nhiệm và bồi thường. Sự việc được đưa ra toà án cấp Liên minh châu Âu vì nhà sản xuất ô tô có trụ sở tại Đức cho rằng toà án của Áo không có quyền hạn pháp lý quốc tế. Toà án châu Âu thấy thiệt hại xảy ra ở nơi chiếc xe được mua từ một bên thứ ba, trong trường hợp này là Áo.
Do đó, Toà án Công lý châu Âu đã phán quyết rằng một nhà sản xuất ô tô có trụ sở đặt tại một trong các nước thành viên và có hành vi vi phạm với xe bán ở các nước thành viên khác có thể bị kiện lên toà án ở các nước thành viên này.
Làn sóng kiện tụng nhằm vào Volkswagen bắt nguồn từ Áo, nơi một tổ chức người tiêu dùng đang đại diện cho hàng trăm chủ xe đòi hãng này phải bồi thường tối thiểu 3,6 triệu euro (tương đương 4,1 triệu USD). Vụ bê bối có tên “Dieselgate” bị phát giác năm 2015 khi trường Đại học Tây Virginia của Mỹ công bố báo cáo đề cập lượng khí thải cao từ một số xe của hãng Volkswagen.
Sau thông tin này, Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) đã mở cuộc điều tra và phát hiện hãng Volkswagen đã cài đặt phần mền gian lận khí thải với khoảng 11 triệu xe chạy bằng động cơ diesel của hãng nhằm giúp các xe này vượt qua các cuộc kiểm tra tiêu chuẩn khí thải.
Kể từ khi vụ bê bối “Dieselgate” bị phanh phui, Volkswagen đã phải đối mặt với nhiều vụ kiện, cả hình sự và dân sự. Tổng số tiền mà Volkswagen phải bồi thường cho khách hàng dự kiến lên tới hơn 30 tỷ euro, trong đó bao gồm cả các khách hàng ở Mỹ.
Vụ bê bối trên đã dẫn đến cuộc khủng hoảng đối với toàn bộ ngành công nghiệp ôtô thế giới, sau khi những gian lận tương tự cũng được phát hiện tại một số hãng ôtô danh tiếng khác.
Bảo Lâm (theo VietQ)