26/02/2024 12:25 | gocnhinonline

GNO- Theo đánh giá của ngành chức năng, vụ Đông Xuân 2023 – 2024, nông dân Tiền Giang trúng mùa, tuy nhiên, giá lúa hàng hóa đang xuống nhanh nên nông dân bị giảm lãi.

Trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, nông dân Tiền Giang gieo sạ trên 45.000 ha. Trước mắt, địa phương đã thu hoạch đầu vụ được gần 2.000 ha, năng suất bình quân đạt 71 tạ/ha; những nông dân sản xuất giỏi có thể đạt năng suất 80 tạ/ha. Hiện nay, tỉnh đang khẩn trương thu hoạch dứt điểm trà lúa còn lại trong thời gian tới nhằm phòng tránh thiên tai, hạn mặn, đảm bảo ăn chắc với sản lượng lúa hàng hóa dự kiến cả vụ trên 315.000 tấn.

Thu hoạch lúa tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang)

Ông Nguyễn Văn Giang, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy cho biết, trong vụ Đông Xuân, nông dân địa phương xuống giống trên 850 ha. Đến cuối tháng 2/2024, nông dân đã cơ bản thu hoạch dứt điểm trà lúa với năng suất bình quân đạt 75 tạ/ha, tăng hơn vụ Đông Xuân năm trước khoảng 5 tạ/ha.

Ông Nguyễn Hải Nam canh tác 1,6 ha lúa Đông Xuân ở huyện Cai Lậy cho biết, lúc đầu vụ thương lái đặt cọc giá 9.000 đồng/kg, giống OM 18; tuy nhiên, khi thu hoạch, chỉ đồng ý mua giá 8.100 đồng/kg, giảm 900 đồng/kg so với khi thỏa thuận lúc ban đầu. Với giá này, bán trử chi phí, nông dân còn lãi chưa đến 30 triệu đồng/ha.

Ông Nam cho biết, trong khi đó, nhiều nơi, thương lái chỉ đồng ý mua giá 7.700 đồng/kg, mỗi giạ lúa (20 kg), nông dân mất hơn 20.000 đồng; nếu so với năng suất lúa đạt 80 tạ/ha (400 giạ lúa/ha) thì số tiền mất do giá lúa giảm rất lớn. Thu nhập nông dân do vậy cũng giảm theo.

Bí thư Đảng ủy Nguyễn Văn Giang cho biết, phần đông trà lúa của địa phương đều được thương lái đặt cọc mua trước theo thỏa thuận. Năm nay, giá lúa vụ Đông Xuân giảm nên tình trạng bỏ cọc nếu nông dân không đồng ý giảm giá vẫn xảy ra trên địa bàn. Còn nhìn chung, do nhu cầu tái sản xuất, nông dân phải ép bụng bán lúa giá thấp, lợi nhuận giảm hẳn mặc dù trúng mùa.

Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam Lê Văn Hưng đánh giá, giá lúa đầu vụ Đông Xuân tại Tiền Giang giảm mạnh có thể do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang gặp khó về đầu ra, giá gạo thị trường thế giới đang giảm… Ngoài ra, không loại trừ nhân cơ hội này thương lái ép giá nông dân.

Cũng theo ông Lê Văn Hưng, tuy vậy, những nông dân tham gia sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, liên kết với các doanh nghiệp giải quyết đầu ra vẫn ít bị ảnh hưởng. Cụ thể, Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam nhiều năm nay liên kết với Công ty ADC sản xuất 100 ha theo tiêu chí GlobalGAP.

Đến nay, hợp tác xã đã thu hoạch toàn bộ diện tích. Doanh nghiệp thu mua cao hơn thị trường 600 đồng/kg, nông dân tổng thu trên 70 triệu đồng/ha, trừ chi phí vẫn còn lãi gần 50 triệu đồng/ha, gần gấp đôi so với nông dân sản xuất bên ngoài.

Thu hoạch lúa tại xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy (Tiền Giang)

Vụ Đông Xuân 2023 – 2024, là vụ sản xuất chính trong năm, Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp thích hợp nhằm ứng phó hạn mặn, đảm bảo nông dân giành một vụ bội thu, thắng lợi, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.

Tỉnh phân bố lịch thời vụ hợp lý cho từng vùng, tiểu vùng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai, né hạn mặn gây hại lúc cuối vụ sản xuất, tạo điều kiện phân bố hợp lý thời vụ cho các vụ sản xuất kế tiếp trong năm.

Để nâng chất lượng hạt gạo xuất khẩu, trong vụ Đông Xuân 2023 – 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451, … Đặc biệt là ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất – tiêu thụ, bao tiêu.

Ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang tăng cường tập huấn, tuyên truyền đến tận hộ nông dân những biện pháp chăm sóc cây trồng trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn với những giải pháp trọng tâm: tăng cường sử dụng phân hữu cơ, trung vi lượng tăng khả năng chống chịu trà lúa, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thâm canh; tiết kiệm nước bơm tát phục vụ sản xuất,..

Nhiều kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất như sử dụng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật tại Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam. Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành Nam (huyện Cai Lậy) Lê Văn Hưng, dùng thiết bị bay phun thuốc bảo vệ thực vật tiết kiệm được 30% chi phí so với phun thuốc thông thường.

Đây cũng là một trong những đơn vị kinh tế tập thể đi đầu trong ứng dụng khoa học công nghệ trong thâm canh lúa như: trồng lúa theo tiêu chí GlobalGAP, cơ giới hóa các khâu sản xuất,…giải phóng sức lao động, tăng năng suất, sản lượng và nâng cao hiệu quả trồng lúa.

theo baotintuc.vn

Bài viết cùng chuyên mục