Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị thu hồi dự án Khu đô thị Đại Ninh của Công ty Sài Gòn – Đại Ninh có vốn đầu tư lên tới 25.000 tỷ đồng tại huyện Đức Trọng – Lâm Đồng.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng chấm dứt hoạt động, thu hồi đất Dự án xây dựng khu đô thị thương mại, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái Đại Ninh tại huyện Đức Trọng – Lâm Đồng do Công ty cổ phần đầu tư du lịch Sài Gòn – Đại Ninh làm chủ đầu tư.
Theo kết luận, Dự án Khu đô thị – Du lịch Đại Ninh với tổng vốn đầu tư 25.243 tỷ đồng được đầu tư trên diện tích đất trên 3595 ha, trong đó có trên 1.306 ha đất quy hoạch lâm nghiệp (thuộc các xã Phú Hội, Tà Hine, Ninh Loan và Ninh Gia – huyện Đức Trọng) do Công ty CP Đầu tư Du lịch Sài Gòn – Đại Ninh (Công ty Sài Gòn – Đại Ninh) đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào cuối năm 2010.
Dự án trên được triển khai xây dựng từ năm 2010 – 2018 với 6 phân khu chức năng, quy mô dân số lưu trú thường xuyên hơn 19.700 người. Thế nhưng đến giữa năm 2020, dự án trễ hạn hơn một năm rưỡi mà các hạng mục chính của dự án, hầu như chưa được xây dựng. Như vậy, gần 10 năm qua, chủ đầu tư chỉ xây 15 nhà làm việc và nghỉ dưỡng cho chuyên gia, 1 hội trường, 6 trạm dừng chân, khoảng 20 km đường nội bộ…
Theo quyết định số 953/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng, Công ty Sài Gòn – Đại Ninh được thuê 1.432,49 ha đất lâm nghiệp. Đến tháng 2/2012, tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định 293/QĐ-UBND cho phép công ty này chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện Dự án Khu đô thị – Du lịch Đại Ninh, có tổng diện tích đất phải chuyển đổi mục đích trên 323,8 ha. Tổng số tiền sử dụng đất phải nộp là trên 226 tỷ đồng. Sau khi miễn giảm 30% thuế, số tiền công ty này phải nộp chỉ còn trên 158,23 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, sau khi được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty Sài Gòn – Đại Ninh đã không tuân thủ nghĩa vụ tài chính. Cơ quan Thuế tỉnh Lâm Đồng xác định, dù đôn đốc nhiều lần số tiền sử dụng đất phải nộp nhưng công ty này vẫn không nộp. Tính đến tháng 10/2018, số tiền phạt chậm nộp thuế đã lên tới trên 104 tỷ đồng. Công ty này còn nợ số tiền bồi thường thiệt hại tài nguyên, môi trường rừng trên 6,66 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cho đến đầu tháng 10/2018, UBND tỉnh Lâm Đồng lại có quyết định số 2020/QĐ-UBND điều chỉnh nội dung quyết định trước đây. Theo đó, Tỉnh này yêu cầu chưa thực hiện việc chuyển mục đích sang đất ở với diện tích đất trên 166,56ha đã được chuyển mục đích từ năm 2012. Theo đó, diện tích đất ở được chuyển đổi từ năm 2012 trở về trạng thái đất chuyên dùng và Công ty không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với số tiền hàng trăm tỷ này.
Trong quá trình quản lý, sử dụng đất, chủ đầu tư khi triển khai dự án vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng Hội trường không phép khoảng 560 m2, 15 căn nhà chuyên gia không có trong quy hoạch chi tiết xây dựng được phê duyệt, không có giấy phép xây dựng…
Hơn nữa, Thanh tra Chính phủ đã cho rằng: “Việc UBND tỉnh (Lâm Đồng) không ra quyết định thu hồi đất là chưa thực hiện đúng quy định tại điểm i, khoản 1, Điều 64 của Luật Đất đai năm 2013, thể hiện sự tùy tiện, chạy theo chủ đầu tư trong quy hoạch đất, quy hoạch xây dựng”.
Cũng theo kết luận thanh tra, Công ty Sài Gòn – Đại Ninh hiện chưa lập hồ sơ tận thu lâm sản, chưa thực hiện nghĩa vụ trồng rừng thay thế đối với diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng và đền bù tài nguyên rừng mà đã tiến hành làm đường giao thông.
Thanh tra Chính phủ cũng đã nêu, theo Giấy chứng nhận đầu tư, đến ngày 31/12/2018 dự án trên đã hết hạn đầu tư. Nhưng qua xác minh của đoàn thanh tra, Công ty Sài Gòn – Đại Ninh có nhiều vi phạm, tiến độ không thực hiện đúng cam kết nhưng UBND tỉnh Lâm Đồng và các ngành chức năng của tỉnh này đã không có cương quyết xử lý, chấm dứt hoạt động dự án theo quy định tại khoản 1, Điều 48 của Luật Đầu tư 2014.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, trách nhiệm chính để xảy ra các vi phạm trên thuộc Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và môi trường, Cục trưởng Cục Thuế, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
theo PV/TCDN (t/h)