DHC Việt Nam thổi phồng chất lượng mỹ phẩm, TPCN có thể trị bệnh, lừa dối người dùng?
Theo phản ánh của người tiêu dùng, sản phẩm Viên uống kẽm DHC Zinc chính hãng Nhật Bản do DHC Việt Nam – thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Belie bán ra thị trường thực chất chỉ là thực phẩm chức năng nhưng lại được thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh. Điều này là trái quy định của pháp luật, dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Cụ thể, DHC Việt Nam thuộc Công ty Cổ phần Belie giới thiệu sản phẩm Viên uống kẽm DHC Zinc có thể “trị sạch mụn viêm”, “diệt sạch mụn ẩn” và không có khuyến cáo nào về việc đó chỉ là sản phẩm thực phẩm chức năng và không có tác dụng trong trị bệnh. Trong khi theo Mục b, Khoản 3, và Điều 3, Khoản 4, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo 2012 thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: b) Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
Thậm chí, đối với sản phẩm DHC trị mụn Ance Control Spots Essrnce EX, Công ty Cổ phần Belie còn công khai giới thiệu với người tiêu dùng là trị được mụn, thuộc dòng trị mụn thảo dược, diệt mụn nhanh chóng, ức chế tiết bã nhờn dư thừa, ức chế vi khuẩn gây mụn, thu nhỏ lỗ chân lông, trị mụn điều tiết lượng dầu tiết ra trên da … Những nội dung quảng cáo này cũng được Công ty Cổ phần Belie tung lên các trang mạng, nhiều người có thể tiếp cận được.
Qua tìm hiểu được biết, DHC Việt Nam là thương hiệu thuộc Công ty Cổ phần Belie – Đơn vị phân phối độc quyền mỹ phẩm và thực phẩm chức năng của DHC Corporation Nhật Bản chính hãng tại Việt Nam. Trong giới thiệu, công ty này phân phối các dòng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc cơ thể, viên uống bổ sung vitamin, viên rau củ chính hãng của DHC Nhật Bản.
Công ty Cổ phần Belie có các địa chỉ tại Hà Nội: 170 Đê La Thành, Đống Đa, Hà Nội và tại TP. Hồ Chí Minh: 101-103 Nguyễn Trãi, P Bến Thành, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.
Khi Phóng viên liên hệ làm rõ về chất lượng của sản phẩm và các dấu hiệu nhập nhèm trong quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng, nhân viên của Công ty Cổ phần Belie đã hướng dẫn phản ánh để tiếp nhận tuy nhiên khi liên hệ lại thì phía Công ty này lại lẩn tránh, chưa có trả lời nào rõ ràng về phản ánh của người tiêu dùng nêu.
Theo quy định tại Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, nêu rõ: “Mỹ phẩm được cấp công bố trong nước được quy định rõ ràng về công dụng, không được gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng là thuốc chữa bệnh qua việc sử dụng các công dụng “điều trị” để quảng cáo cho người tiêu dùng”.
Việc sử dụng câu từ để quảng cáo các tính năng của sản phẩm mỹ phẩm phải đáp ứng Hướng dẫn của ASEAN về công bố tính năng của sản phẩm mỹ phẩm. Theo đó các sản phẩm chăm sóc da không được sử dụng những từ như xóa sẹo, trị mụn, trị nám, trị sắc tố… Các từ mang ý nghĩa chữa cho khỏi như “trị”, “điều trị”, “chữa trị” không được chấp nhận trong quảng cáo mỹ phẩm.
Còn tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, khoản 3 Điều 69 quy định về các vi phạm các quy định về quảng cáo mỹ phẩm nêu rõ:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo mỹ phẩm có tác dụng như thuốc gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc;
b) Quảng cáo mỹ phẩm có nội dung không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định;
c) Quảng cáo mỹ phẩm thiếu một trong các nội dung sau: tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng chủ yếu của mỹ phẩm trừ trường hợp tính năng, công dụng đã được thể hiện trên tên của sản phẩm; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định….
Để bảo vệ người tiêu dùng, đề nghị Thanh tra Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược, các Sở Y tế địa phương sớm vào cuộc kiểm tra, làm rõ các dấu hiệu hành vi sai phạm trong bán, tư vấn sử dụng mỹ phẩm của doanh nghiệp nói trên.
theo VietQ