12/05/2020 11:40 | hoangthi

Nợ xấu luôn là ‘cơn’ đau đầu với các ngân hàng tái cơ cấu, điển hình là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB). Kể từ khi hợp nhất, khối nợ xấu của nhà băng này ngày càng phình to và không có dấu hiệu dừng lại.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2020. Đây là một trong những nhà băng công bố báo cáo tài chính muộn nhất trong giới ngân hàng. Theo đó, tín dụng của SCB tăng nhẹ 3% trong kỳ, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng, lên mức 341.288 tỷ đồng, giúp tổng tài sản tăng lên 581.201 tỷ đồng. Ở cả hai chỉ tiêu này, SCB là ngân hàng tư nhân số 1 (ngoài khối có vốn nhà nước).

Tín dụng tăng trưởng giúp SCB ghi nhận thu nhập lãi 10.544 tỷ đồng, tăng mạnh 24% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập lãi thuần lên tới 1.150 tỷ đồng, vượt xa con số vỏn vẹn 48 tỷ đồng quý I/2019. Dù vậy, việc dành phần lớn lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng kéo lãi sau thuế về còn 35,8 tỷ đồng, giảm tới 60% so với cùng kỳ.

Nợ xấu luôn là “cơn” đau đầu với các ngân hàng tái cơ cấu, điển hình là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Tất nhiên, với trường hợp SCB, lợi nhuận có lẽ là chỉ tiêu cuối cùng cần đề cập đến. Điều này không khó hiểu khi SCB vẫn đang tái cơ cấu. Trung tuần tháng 3/2020, SCB công bố được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt Đề án cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn 2030.

Về đội ngũ lãnh đạo của ngân hàng SCB, Chủ tịch HĐQT là ông Đinh Văn Thành, 3 Phó Chủ tịch là ông Chiêm Minh Dũng, Henry Sun Ka Ziang và Tạ Chiêu Trung cùng 3 thành viên HĐQT khác. Tổng giám đốc SCB là ông Võ Tấn Hoàng Văn.

Vấn đề tái cơ cấu của SCB không mới, là nội dung quan trọng khi SCB được chấp thuận sáp nhập với hai ngân hàng Đệ Nhất và Tín Nghĩa vào cuối năm 2011, đầu năm 2012. Việc sáp nhập theo kiểu “cộng số học” đã tạo ra một SCB theo kiểu “bình mới, rượu cũ” theo đúng nghĩa.

Trong các ngân hàng tái cơ cấu, khác với những cái tên “chậm tiến” khác như NCB hay PVCombank, thì trường hợp của SCB đáng bàn hơn nhiều, khi sau 8 năm, tổng tài sản tăng gấp 4 lần lên gần 600.000 tỷ đồng, chủ yếu được tạo thành từ nợ phải trả, trong đó có gần 434.000 tỷ đồng tiền gửi của các cá nhân, doanh nghiệp.

Nợ xấu luôn là “cơn” đau đầu với các ngân hàng tái cơ cấu, điển hình là SCB. Kể từ khi hợp nhất, khối nợ xấu của SCB ngày càng phình to và không có dấu hiệu dừng lại, thể hiện rõ nhất qua lãi thực thu của SCB, và cũng giải thích vì sao trên các báo cáo tài chính lẫn báo cáo thường niên tại website ngân hàng này lại không có bảng lưu chuyển tiền tệ.

Chủ tịch SCB Đinh Văn Thành.

Các báo cáo của SCB gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thể hiện nợ xấu dẫn tới một vấn đề cốt tử là dòng tiền hoạt động. Đơn cử vào năm 2015, SCB báo thu nhập lãi 21.783 tỷ đồng, giúp lãi sau thuế ở mức dương 80 tỷ đồng. Tuy nhiên bảng lưu chuyển tiền tệ (rất khó để “cook”) cho thấy lãi thực nhận chỉ là 4.369 tỷ đồng, có nghĩa rằng hơn 17.400 tỷ đồng không thu được trong kỳ. Năm 2016, con số này là 14.525 tỷ đồng. Giai đoạn 2017-nay, SCB vẫn gặp khó khăn lớn với dòng tiền hoạt động.

Hiện thực này dẫn tới “lãi, phí phải thu” cùng chỉ tiêu “tài sản có khác” tăng nhanh chóng, lên lần lượt 61.496 tỷ đồng và 139.941 tỷ đồng vào cuối quý I/2020. Tài sản có khác được coi là tài sản chết, khi không sinh lời song vẫn phải trả chi phí lãi đầu vào, hiện đã lên đến 1/4 tổng tài sản SCB.

Để bù đắp dòng tiền, SCB buộc phải bằng mọi cách đẩy mạnh huy động, giải thích vì sao nhà băng này luôn có lãi suất đứng đầu trong số gần 30 ngân hàng thương mại lớn nhỏ.

Giai đoạn 2012-2019, huy động tiền gửi của SCB tăng tới 7,5 lần, bỏ xa các ngân hàng có mức tăng trưởng cao như Techcombank (2,6 lần), ACB (2,2 lần), MBBank (3 lần).

Dựa vào các thống kê có thể thấy những cố gắng tái cơ cấu của ban lãnh đạo SCB ít nhiều có kết quả, đặc biệt vào năm 2017, khi tỷ lệ “tài sản có khác trên tổng tài sản” giảm về còn 14,9%, hay chênh lệch “lãi thực nhận với lãi ghi nhận” về mức đáy -4.560 tỷ đồng. Dù vậy, từ 2018-nay, các chỉ số tài chính của SCB diễn biến nhanh theo chiều hướng tiêu cực, mà đỉnh điểm là vào cuối quý I vừa qua như đã phân tích.

Tái cơ cấu hãy còn là câu chuyện dài kỳ tại SCB, tuy nhiên việc cho phép ngân hàng này tăng trưởng quá nhanh để khỏa lấp đi lỗ hổng lớn nợ xấu cần được xem xét lại. Một thái độ tiếp cận khách quan, cởi mở và thẳng thắn hơn, tránh kiểu “tốt khoe, xấu che” có chăng nên được cân nhắc.

Cần biết rằng SCB hiện là một trong những nhà băng bí ẩn nhất, dù có quy mô khổng lồ. Trì hoãn lên sàn, các báo cáo thiếu đầy đủ, không công bố thông tin theo luật định, xét về lâu dài không phải là yếu tố giúp SCB vượt qua khó khăn và trở thành một tên tuổi đủ tầm trong khối các tổ chức tín dụng, vốn đang cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại của SCB, hai pháp nhân nắm tỷ lệ sở hữu lớn nhất là Công ty Đầu tư Tài chính Việt Vĩnh Phú (13%) và Noble Capital Group (9%).

Thanh Thảo

Theo VietQ

Link G: http://vietq.vn/dau-hoi-dong-tien-scb-sau-10-nam-tai-co-cau-d173811.html

Bài viết cùng chuyên mục