GNO- Năm 2021, Việt Nam tiếp tục ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp cán cân thương mại xuất siêu với trị giá đạt 4 tỷ USD. Có được xuất siêu tốt cũng là tiền đề chứng tỏ những sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được thể hiện vị thế, chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Theo số liệu thống kê, năm 2021, Việt Nam tiếp tục ghi nhận năm thứ 6 liên tiếp cán cân thương mại có xuất siêu – với trị giá xuất siêu năm 2021 đạt 4 tỷ USD. Như vậy, Việt Nam đã vượt mục tiêu đặt ra tại chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020 (đến năm 2020 mới tiến tới cân bằng cán cân thương mại) và đang tiếp tục kiên trì mục tiêu của giai đoạn 2021-2030 tiếp tục duy trì thặng dư thương mại bền vững hơn, hướng đến cán cân thương mại với các đối tác lành mạnh, hợp lý, từ đó bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Giới chuyên gia nhận định, xuất siêu góp phần quan trọng trong ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giúp cho nền kinh tế có thêm nguồn dự trữ về ngoại tệ, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay chúng ta đang phải sử dụng chính sách kết hợp tài khóa – tiền tệ. Có được xuất siêu tốt cũng là tiền đề chứng tỏ những sản phẩm, hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được thể hiện vị thế, chỗ đứng trên thị trường thế giới.
Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và các bộ ngành, doanh nghiệp trong việc cải thiện cán cân xuất nhập khẩu thời gian qua, Chuyên gia kinh tế – TS. Nguyễn Minh Phong nhìn nhận một ý nghĩa quan trọng nữa của “xuất siêu”, đó chính là nhờ kết quả của cải cách cơ cấu kinh tế – thể hiện ở sự nỗ lực trong gia tăng giá trị của hàng xuất khẩu. Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi trọng và đẩy mạnh hơn; các sản phẩm hàng hoá được nâng lên về chất, có được giá cả cao hơn, những sản phẩm mới xuất khẩu cũng nhiều hơn…
Một điểm cũng rất ý nghĩa từ “xuất siêu” được TS. Nguyễn Minh Phong chỉ ra, đó là đã giảm bớt được những mặt hàng nhập khẩu không cần thiết: “Giảm được nhập khẩu những mặt hàng Việt Nam có thể sản xuất được hoặc tương đương, thậm chí trước đây có cả những mặt hàng kém chất lượng; Nhưng giờ ta đã ngăn được những hoạt động như vậy, nhờ đó mà xuất siêu được ghi nhận. Hay nói cách khác, xuất siêu phản ánh kết quả của việc đã có sự điều chỉnh trong cơ cấu nhập một cách tốt hơn… từ đó tạo ra động lực bổ sung cho kinh tế, tạo việc làm, đóng góp ngân sách cũng như các hoạt động khác của đời sống kinh tế”.
Ngoài ra, một điểm được các chuyên gia nhấn mạnh cần tiếp tục tập trung khai thác, phát huy, đó là trong thời gian qua Việt Nam luôn duy trì xuất siêu sang một số thị trường cao cấp, khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản… Điều này chứng tỏ nhiều sản phẩm, hàng hoá của Việt Nam đã đáp ứng nhu cầu của thị trường này. Nếu khai thác tốt hơn nữa lợi thế của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao như EVFTA, CPTPP để nhập khẩu máy móc, công nghệ, nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng cao, xuất khẩu “không thiên về số lượng mà tập trung vào hàng hoá giá trị cao” sẽ góp phần quan trọng để đạt mục tiêu duy trì thặng dư thương mại bền vững.
theo Mai Phương/VietQ