09/06/2020 09:17 | gocnhinonline

Để phát triển ngành điều bền vững theo hướng hiện đại, tỉnh Đắk Lắk xác định đưa vào sử dụng giống điều có năng suất, chất lượng cao cung ứng cho nông dân tái canh, trồng mới tại nhiều địa phương; sản xuất hạt điều theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng.

Trước đó vào sáng ngày 3/6, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có buổi làm việc với Hiệp hội Điều Việt Nam nhằm bàn thảo về giải pháp phát triển bền vững ngành điều cho tỉnh Đắk Lắk.

Phát triển ngành điều bền vững theo hướng hiện đại

Điều là một trong những loại cây trồng lâu năm của tỉnh Đắk Lắk, có diện tích chỉ sau cà phê, cao su, tiêu. Diện tích điều của tỉnh hiện nay là 23.849 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 20.732 ha, năng suất đạt 10,34 tạ/ha. Những năm gần đây diện tích điều có xu hướng tăng do giá thu mua hạt điều tăng.

Về chế biến có 06 cơ sở chế biến điều nhân đang hoạt động, công nghệ quy mô nhỏ, không có vùng nguyên liệu ổn định. Sản lượng xuất khẩu điều 06 tháng đầu năm 95.000 tấn đạt 15,6% kế hoạch.

Để phát triển ngành điều bền vững theo hướng hiện đại, tỉnh Đắk Lắk xác định đưa vào sử dụng giống điều có năng suất, chất lượng cao cung ứng cho nông dân tái canh, trồng mới tại nhiều địa phương; sản xuất hạt điều theo tiêu chuẩn có chứng nhận chất lượng; đa dạng hóa sản phẩm ngành điều (điều rang muối, bơ hạt điều, bánh kẹo nhân điều); thúc đẩy xây dựng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; hỗ trợ chứng nhận chất lượng sản phẩm hạt điều, xây dựng thương hiệu điều của tỉnh gắn với vùng trồng, nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.

Theo đánh giá của chuyên gia Hiệp hội Điều Việt Nam, công nghệ chế biến điều của Việt Nam đã được doanh nghiệp trong nước đầu tư hệ thống đồng bộ từ cắt đến đóng gói. Một số doanh nghiệp có nhập điều nguyên liệu chế biến sẵn nước ngoài làm thành phẩm để xuất đi phần nào ảnh hưởng đến giá điều của Việt Nam và các địa phương. Tuy vậy, giá thu mua hạt điều của Đắk Lắk cao so với mặt bằng chung và chất lượng ngon hơn các địa phương khác. Vì vậy, năng lực cạnh tranh của ngành điều cho Đắk Lắk cần phải được chú trọng trong thời gian tới.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cám ơn Hiệp hội Điều Việt Nam đã chia sẻ một số định hướng lớn, thị trường tiềm năng và dự báo khó khăn ngành điều khi gia nhập thị trường quốc tế.

Qua phân tích thực trạng phát triển ngành Điều của tỉnh, đề nghị Hiệp hội Điều Việt Nam kết nối thường xuyên, tiếp tục hỗ trợ tỉnh kinh phí để triển khai thực hiện trồng mới, ghép cải tạo vườn điều già cỗi, năng suất thấp; cách thức xây dựng vùng nguyên liệu quy mô kết nối toàn tỉnh; xây dựng chỉ dẫn hạt điều, thương hiệu cho sản phẩm đặc sản hạt điều Đắk Lắk, tham gia xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chế biến điều tại địa phương.

Các doanh nghiệp chế biến trong nước nên thu mua hạt điều thô trong nước nhằm góp phần giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ

Trước tình hình biến đổi khí hậu, tỉnh mong muốn Hiệp hội Điều Việt Nam hỗ trợ thêm khoa học kỹ thuật trồng, chất lượng giống cho nông dân, quy hoạch hoàn chỉnh về cây điều; xây dựng chính sách đặc thù cho doanh nghiệp tham gia chế biến hạt Điều xuất khẩu điều.

Phân tích về một số thách thức cho ngành điều tại buổi làm việc, Hiệp hội Điều Việt Nam cho biết, hiện một số khách hàng trên thế giới yêu cầu các nhà máy giao hàng sớm nhất có thể do lo ngại việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu có thể gặp khó khăn, cước tàu vận tải tăng cao. Tuy nhiên, Hiệp hội Điều Việt Nam khuyến cáo các nhà máy chế biến nên bình tĩnh, không nên bán tháo. Đồng thời, các nhà máy chế biến nên nhập khẩu hạt điều thô từ từ khi thấy giá phù hợp. Các doanh nghiệp trong nước nên thận trọng khi mua hạt điều thô từ châu Phi, chú ý kiểm tra chất lượng sản phẩm.

Trong bối cảnh khó khăn chung, các doanh nghiệp chế biến trong nước nên thu mua hạt điều thô trong nước nhằm góp phần giữ vững và phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá xuất khẩu điều nhân của Việt Nam trong ngắn hạn sẽ tăng nhẹ, do các nước phương Tây tăng nhu cầu dự trữ điều, bên cạnh đó Trung Quốc đang dần phục hồi nền kinh tế khi đại dịch COVID-19 được kiểm soát tốt. Hiệp hội Điều Việt Nam đang kiến nghị xây dựng hàng rào thuế quan để nâng cao sức cạnh tranh của mặt hàng điều và tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp, giảm thiểu nguy cơ cho mặt hàng này.

Tình hình xuất nhập khẩu điều, theo đó, quý I/2020, xuất khẩu hạt điều đạt 54,7 nghìn tấn, trị giá 666,9 triệu USD, tăng 19,4% về lượng và tăng 4,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều sang hầu hết các thị trường giảm so với cùng kỳ năm 2019, chỉ có giá xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ tăng 16,6%.

Đối với Việt Nam, mùa vụ hạt điều năm nay cho năng suất cao, chất lượng tốt, nhưng giá ở mức thấp, dao động khoảng 22.500 – 23.000 đồng/kg, tỉ lệ thu hồi 27,5 – 28% (tương đương 180 – 185 hạt/kg). Giá hạt điều chế biến giảm mạnh trong bối cảnh giao dịch diễn ra ảm đạm. Năm 2020, ngành điều Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu 4 tỉ USD, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến giá xuất khẩu hạt điều giảm, ngành điều Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh kế hoạch xuất khẩu xuống còn 3 tỉ USD.

Theo Hồng Nga/TH&SP

Link G:https://thuonghieusanpham.vn/dak-lak-phat-trien-nganh-dieu-ben-vung-theo-huong-hien-dai

Bài viết cùng chuyên mục