30/01/2024 10:41 | gocnhinonline

GNO- Trong Tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Công Thương nhấn mạnh, hiện nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý để EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai dự án điện gió ngoài khơi (nguồn năng lượng giá rẻ vô tận).

Bộ Công Thương vừa có tờ trình đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Bộ Công Thương: ‘Chưa có cơ sở pháp lý triển khai các điện gió ngoài khơi’, nguồn năng lượng giá rẻ vô tận

Theo đó, về việc nghiên cứu thí điểm giao EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai điện gió ngoài khơi, Bộ Công Thương cho biết, vấn đề này đang gặp một số khó khăn. Đầu tiên là hành lang pháp lý cho phát triển điện gió ngoài khơi còn chưa rõ ràng khi chưa phê duyệt Quy hoạch không gian biển Quốc gia, chưa có căn cứ xác định phạm vi quản lý biển.

Tiếp đó, theo Bộ Công Thương, pháp luật về đầu tư chưa quy định cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư điện gió ngoài khơi.

“Vì vậy, chưa có cơ sở pháp lý để giao cho EVN và các doanh nghiệp trong nước triển khai các dự án điện gió ngoài khơi”, Bộ Công Thương cho biết.

Để giải quyết vấn đề này, bộ Công Thương trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Điện lực sửa đổi đã đề xuất sửa đổi Luật Đầu tư để quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi.

“Trước mắt, Bộ Công Thương đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao EVN và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, khảo sát về các điều kiện phát triển điện gió ngoài khơi, sẵn sàng triển khai khi có đủ cơ sở pháp lý để các cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Thực tế trước đó, các doanh nghiệp đến từ Đan Mạch, Anh hay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đang rất hào hứng với dự án điện gió ngoài khơi.

Copenhagen Infrastructure Partners (CIP) vừa công bố ra mắt Quỹ Thị trường tăng trưởng II (GMF II) với mục tiêu huy động 3 tỷ USD nhằm phát triển 10.000 MW điện từ năng lượng tái tạo ngay tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), diễn ra ở Dubai.

Trọng tâm chính của quỹ này là phát triển và xây dựng các dự án điện gió, năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng tại một số thị trường có tốc độ tăng trưởng cao ở châu Á, Mỹ La-tinh và châu Âu – Trung Đông – châu Phi (EMEA). Một số thị trường được nhắc tới là Việt Nam, Philippines, Ấn Độ…

Không chỉ CIP, Enterprize Energy (EE) – một tập đoàn đến từ Anh cũng đã bày tỏ với Thủ tướng Chính phủ sự mong chờ dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam có những động thái mới.

EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận với 2 dự án cấu phần: Thăng Long Wind (TLW) để kết nối lưới điện quốc gia, công suất 3.400 MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD; Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000 MW, tổng mức đầu tư 5 tỷ USD.

Trong khi đó, Tổng công ty Kỹ thuật dịch vụ dầu khí (PTSC) – thành viên của Petrovietnam có kế hoạch phát triển một dự án điện gió ngoài khơi ở khu vực Rà Rịa – Vũng Tàu, nhưng hướng vào xuất khẩu điện sang Singapore.

Ông Lê Mạnh Cường, Tổng giám đốc PTSC cho hay, mục tiêu của dự án này là xây dựng trang trại điện gió ngoài khơi Bà Rịa – Vũng Tàu, với quy mô 2.300 MW, cùng đường cáp ngầm hơn 1.000 km.

PTSC đã trao đổi với đối tác phía Singapore từ cuối năm 2022 và tháng 2/2023 ký thỏa thuận phát triển dự án với Tập đoàn Sembcorp. Vào tháng 10/2023, Chính phủ Singapore đã phê duyệt chấp thuận có điều kiện cho dự án này. Mục tiêu được đặt ra là năm 2030-2032 sẽ đưa điện lên lưới Singapore.

Dù chưa tới bước lập báo cáo cụ thể, nhưng PTSC dự tính, quy mô vốn đầu tư của Dự án nguồn năng lượng giá rẻ này khoảng hơn 10 tỷ USD.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Petrovietnam cho biết, điện gió ngoài khơi là một trọng tâm trong chuyển hướng chiến lược của Tập đoàn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Tập đoàn đang xây dựng danh mục dự án điện gió ngoài khơi, báo cáo cấp có thẩm quyền; triển khai đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này; hợp tác với các tập đoàn lớn trên thế giới và trực tiếp đầu tư, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu về điện gió ngoài khơi, tiến tới tự chủ trong việc phát triển điện gió ngoài khơi.

theo Kỳ Thư (vietnamfinance.vn)

Bài viết cùng chuyên mục