04/06/2024 16:18 | gocnhinonline

GNO- Kem chống nắng là vật dụng không thể thiếu trong mùa hè nhằm bảo vệ làn da khỏi những tác hại cấp tính như ; cháy da, bỏng da hoặc tránh khỏi nguy cơ sạm da, rám má và ung thư da. Tuy nhiên, cách sử dụng kem chống nắng như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả cao nhất thì không phải ai cũng biết.

Vấn đề cần quan tâm khi sử dụng kem chống nắng

Chỉ số chống nắng

Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Châu- Bệnh viện Da liễu TP. Đà Nẵng cho biết: SPF là tỉ số giữa thời gian cần thiết để da bạn bị cháy nắng khi bôi kem chống nắng với thời gian làn da bị cháy nắng khi không bôi kem chống nắng. Chỉ số SPF 30 có thể ngăn chặn được khoảng  97% bức xạ tia UV. Chỉ số SPF 50 thì 98% bức xạ UV sẽ bị ngăn chặn.

Các mô tả “bảo vệ tuyệt đối”, “bảo vệ hoàn hảo”, “bảo vệ 100%” không được ghi trên các sản phẩm kem chống nắng. Vì không một loại kem chống nắng nào có khả năng bảo vệ 100% khỏi tác hại của của tia cực tím UVA, UVB.

Ngoài ra, còn có các sản phẩm chống nắng với chỉ số SPF+. Thường thì các bác sĩ sẽ khuyến cáo sử dụng trong trường hợp bạn có tiền sử gia đình hoặc cá nhân bị ung thư da, hoặc bạn thường xuyên ở phải làm việc ngoài trời. Sản phẩm chống nắng này sẽ phát huy hiệu quả bảo vệ da vượt trội hơn, chống lại cả tia UVA và UVB.

Nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF thấp nhất là 30 (nếu có 1 làn da tối màu) hoặc SPF 40-50 (nếu có làn da sáng màu). Các sản phảm chống nắng nên là chống nắng phổ rộng – ngăn chặn cả tia UVA và UVB.

Nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF thấp nhất là 30 (Ảnh: iStock)

Lựa chọn kem chống nắng cho từng vùng da

Theo Bác sĩ Châu, với từng vùng da khác nhau chúng ta sẽ cần sử dụng các sản phẩm chống nắng khác nhau. Không nên dùng lẫn lộn kem chống nắng toàn thân với kem chống nắng cho da mặt bởi điều này được cảnh báo là không tốt.

Lựa chọn kem chống nắng cho da mặt: Da mặt là vùng da hở và thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và nhiều tuyến bã nhờn. Do đó, nếu muốn mua kem chống nắng bạn nên lựa chọn sản sản phẩm chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ  30. Ưu tiên sản phẩm không gây bít tắc lỗ chân lông để ngăn ngừa mụn.

Với da dễ bị mụn bạn nên lựa chọn kem chống nắng chứa thành phần là kẽm oxide và hoặc titanium dioxide. Chú ý là hiện có rất nhiều loại kem dưỡng ẩm cho mặt có chứa thành phần của kem chống nắng, và các sản phẩm này phù hợp nếu bạn thường xuyên ở trong nhà và ít tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

Lựa chọn kem chống nắng toàn thân: Nếu mục đích chống nắng của bạn là toàn thân thì hãy hướng đến các sản phẩm kem chống nắng phổ rộng có chỉ số SPF từ 50 và sử dụng những loại chống nắng dễ dùng và tiện lợi khi sử dụng như dạng xịt hoặc lotion.

Nếu bạn tham gia các hoạt động thể thao, hoặc hoạt động trong môi trường dưới nước hoặc tắm biển có thể lựa chọn các sản phẩm chống nắng có khả năng chịu nước. Với các loại chống nắng siêu chịu nước có thể còn tác dụng sau 80 phút sau khi tiếp xúc với nước.

Các loại kem chống nắng chịu nước thông thường có  tác dụng duy trì được khoảng 40 phút trong nước. Thời gian chịu nước được ghi rất rõ trên bao bì. Ngoài ra, cần kết hợp đa dạng các biện pháp chống nắng cho da như sử dụng quần áo chống nắng để tăng hiệu quả chống nắng toàn thân.

Thời gian bôi lại kem chống nắng

Bác sĩ Châu khuyên mọi người nên hình thành thói quen sử dụng kem chống nắng hằng ngày bất kể thời tiết hay mùa nào. Lý do là ngay cả khi bạn ngồi trong nhà, ngồi trong xe hơi hay trời không có nắng… bức xạ mặt trời cả ngày do tia nắng có thể xuyên qua các đám mây, cửa kính của nhà và xe hơi.

Ngoài ra, tất cả các sản phẩm kem chống nắng sẽ phát huy tác dụng tối đa sau 20 phút thoa trên da. Do đó, hãy sử dụng kem trước khi da ngoài khoảng 20 phút và bôi lại sản phẩm chống nắng sau từ 2-3 giờ. Chú ý đặc biệt đến các vùng da hở như mặt, cổ, tay, chân… Bạn cũng cần tránh tiếp xúc với ánh nắng vào lúc 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều.

3 sai lầm thường gặp khi dùng kem chống nắng

ThS. BS Trịnh Minh Trang- Bệnh viện Da liễu Trung ương chia sẻ những sai lầm mọi người thường mắc phải khi sử dụng kem chống nắng như:

Bôi kem chống nắng quá ít

Về nguyên tắc, kem chống nắng phải dùng “đủ thời gian ban ngày”, tức từ khi có ánh sáng ban ngày đến lúc trời tối. Lý do, kể cả ban ngày chưa có nắng vẫn có tia UVA, làn da vẫn bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, mỗi ngày bôi kem chống nắng ít nhất hai lần, nếu được thì 3-4 lần. Số lần thoa nhiều hay ít có thể linh hoạt theo tình huống, tuy nhiên đảm bảo trên mặt luôn có một lớp kem chống nắng. Nếu mặt giữ được lớp kem chống nắng lâu thì có thể giảm tần suất bôi. Trường hợp ra mồ hôi nhiều, sau mỗi hai giờ phải thoa kem lại. Làm sạch mặt (tẩy trang, rửa) trước khi bôi lại kem.

Chọn chỉ số chống nắng chưa phù hợp

Chỉ số chống nắng càng cao thì thời gian da được bảo vệ càng lâu. Khi ra ngoài trời, tiếp xúc ánh nắng cường độ cao, nên chọn chỉ số SPF cao. Ví dụ, đi biển mùa hè dùng kem chống nắng chỉ số SPF 50+ , làm việc trong môi trường không bị nắng chiếu trực tiếp cần SPF thấp hơn.

Bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác không đúng quy trình

Bôi kem chống nắng kết hợp các sản phẩm khác như dưỡng da, dưỡng ẩm, kem nền… không đúng quy trình sẽ giảm tác dụng. Hai tác dụng của kem chống nắng là chống nắng cơ chế vật lý, giống như một lớp vật liệu che phủ da; và cơ chế hóa học, tức tạo ra tương tác hóa học để thay đổi sự hấp thu, chuyển hóa các tia bức xạ đến da. Bôi kem chống nắng ngay sau khi dùng các sản phẩm chăm sóc da khác sẽ làm loãng kem hoặc thay đổi tính chất vật lý, hóa học, do đó giảm tác dụng.

Bác sĩ Trang khuyên nên bôi trực tiếp kem chống nắng lên da mặt. Nếu trước đó bôi dưỡng ẩm, phải để kem dưỡng ẩm có thời gian hấp thu vào trong da mới bôi kem chống nắng lên. Thông thường thời gian bôi các sản phẩm dưỡng da cách nhau ít nhất 15 -20 phút.

theo Phương Anh (tổng hợp)daibieunhandan.vn

Bài viết cùng chuyên mục