05/01/2022 17:21 | gocnhinonline

GNO- Từ đầu năm 2021 cá Tầm Trung Quốc đã ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam, khiến giá cá Tầm trong nước rớt từ 190 nghìn/kg xuống 100 nghìn/kg, làm cho hàng nghìn hộ nông dân nuôi cá Tầm trong nước đứng bên bờ vực phá sản.

Chỉ 5 loại cá Tầm được nhập vào Việt Nam

Theo cơ quan Cites Việt Nam, cá Tầm thuộc Phụ lục II Công ước quốc tế về buôn bán động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, là loài động vật được các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc.

Cá Tầm giá rẻ có nguồn gốc nhập khẩu đang làm cho người nuôi cá Tầm trong nước lao đao

Tuy nhiên, hiện có một số cá Tầm nhập khẩu dùng làm thực phẩm lưu thông trên thị trường nhưng chưa rõ nguồn gốc, không được thực hiện kiểm dịch nên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, môi trường và đang ảnh hưởng trực tiếp đến nghề nuôi cá Tầm tại Việt Nam.

Trước nguy cơ lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, ngày 28/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh trong đó có yêu cầu “cấm nhập khẩu động vật hoang dã vào Việt Nam”.

Ngày 26/1/2021 Bộ NN & PTNT cũng đã có Văn bản số 580/BNN-TCTS gửi Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), Hội Nghề cá Việt Nam… Theo đó, thực hiện Văn bản số 187/VPCP-ĐMDN ngày 8/1/2021 của Văn phòng Chính phủ về trả lời kiến nghị của Hội Nghề cá Việt Nam và kiến nghị của Hiệp hội Phát triển nghề cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, Hội Cá nước lạnh Lào Cai về tình hình kinh doanh cá Tầm dùng làm thực phẩm tại một số thành phố lớn, chợ đầu mối không thuộc danh mục loài thủy sản được cấp phép kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ NN & PTNT đã phối hợp với địa phương thu mẫu cá Tầm thương phẩm tại chợ Yên Sở, TP Hà Nội và chợ Bình Điền, TP Hồ Chí Minh. Kết quả có 8/11 mẫu cá Tầm thương phẩm được xác định hình thái không phù hợp với loài cá Tầm được kinh doanh tại Việt Nam theo quy định tại Nghị định 26/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản.

Để ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu cá Tầm dùng làm thực phẩm và thực hiện nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, Bộ NN & PTNT đã đề nghị các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc cùng vào cuộc kiểm tra xử lý.

Mới đây, Tổng cục Hải quan – Bộ Tài chính cũng đã có công văn hướng dẫn Cục Hải quan các tỉnh, thành về việc thực hiện thủ tục nhập khẩu cá Tầm và các chính sách nhập khẩu liên quan.

Dễ dàng tìm thấy cá Tầm có nguồn gốc nhập khẩu từ Trung Quốc ở các chợ dân sinh được bày bán với giá rẻ

Tổng cục Hải quan cũng chỉ đạo Cục Hải quan các tỉnh biên giới, Cục Điều tra chống buôn lậu kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu cá Tầm, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế và lấy mẫu giám định các lô cá Tầm nhập khẩu; hàng hóa chỉ được thông quan và đưa ra khỏi khu vực giám sát hải quan tại cửa khẩu, sau khi có kết quả giám định tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Đồng thời, tiến hành điều tra, xác minh, xử lý đối với các doanh nghiệp nhập khẩu cá Tầm vi phạm.

Người nông dân kêu cứu

Văn bản chỉ đạo của các cấp lãnh đạo thì đã rõ, nhưng mới đây, hàng loạt hộ nuôi cá Tầm cùng Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản, đơn thư yêu cầu cơ quan chức năng xem xét khẩn cấp, hủy bỏ Công văn xác định mẫu cá Tầm của Viện Nghiên cứu hải sản (Viện NCHS – Bộ NN&PTNT) ban hành.

Đơn thư có nội dung nghi ngờ Viện Nghiên cứu Hải sản “tạo điều kiện cho nhiều lô giống cá Tầm xuất xứ từ Trung Quốc dễ dàng vượt qua quy định nghiêm ngặt của CITES để nhập ồ ạt vào trong nước”.

Theo đơn phản ánh của 16 hộ nuôi cá Tầm Lâm Đồng cho biết, thời gian gần đây họ phát hiện cá Tầm có xuất xứ từ Trung Quốc được nhập ồ ạt vào trong nước, dù không đúng chủng loại do cơ quan CITES Việt Nam cấp.

Việc cho thông quan nhiều lô cá Tầm này khiến giá bán cá Tầm nuôi trong nước rớt thê thảm, từ 190 ngàn đồng/kg vào thời điểm đầu năm, nay chỉ còn trên dưới 100 ngàn đồng/kg thời điểm hiện tại. Nguyên nhân nhiều lô cá Tầm từ cửa khẩu phía Bắc dễ dàng lọt vào trong nước được dựa trên một công văn giám định được cho là sơ sài, với nhiều nghi ngờ về mặt chuyên môn của Viện NCHS ban hành.

Việc cho một lượng lớn cá Tầm sai chủng loại nhập vào trong nước dẫn đến có dấu hiệu gian lận thương mại, vi phạm Công ước CITES. “Những người nuôi cá Tầm đang phải gánh chịu thiệt hại lớn vì sự cạnh tranh không lành mạnh, giá thấp và chất lượng kém. Tình trạng này không chỉ đánh lừa người tiêu dùng với thương hiệu “cá Tầm Việt Nam” mà còn tạo ra nguy cơ làm phá sản ngành nuôi cá nước lạnh non trẻ của Việt Nam”, nội dung đơn nêu rõ.

Cùng quan điểm với người nuôi cá, theo Hiệp hội Phát triển cá nước lạnh tỉnh Lâm Đồng, việc nhập khẩu cá Tầm có xuất xứ từ Trung Quốc trước đây diễn biến phức tạp, nhưng đã lắng xuống trong một thời gian các lô hàng cá Tầm nhập về trong nước được xác định loài cá Tầm lai tạp, không phải là cá Tầm Xiberi thuần chủng, không đúng quy định giấy phép của CITES Việt Nam cấp và không thuộc danh mục được phép kinh doanh tại Việt Nam.

Hiệp hội này xác nhận, từ đầu tháng 12/2021, việc thông quan cá Tầm có xuất xứ từ Trung Quốc tái diễn dựa trên Công văn xác định tên khoa học số 1497/VHS-NL ngày 3/2/2021 của Viện NCHS, trong đó cho rằng các loại cá đang được nhập từ Trung Quốc là cá Tầm Xiberi thuần chủng.

Hiệp hội này cho rằng, văn bản của Viện NCHS có nhiều sai sót, đang hợp pháp hóa cho hành vi gian lận thương mại, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm trái Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng và vi phạm Công ước CITES đã ký kết.

“Vì quyền lợi của người nuôi cá, chúng đề nghị làm rõ tính chính xác của kết quả giám định của Viện NCHS so với kết quả của một số cơ quan có chức năng giám định khác trước đó như Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật. Kiến nghị Bộ NN&PTNT khẩn cấp xem xét hủy bỏ Công văn của Viện NCHS, đồng thời đề nghị CITES Việt Nam thu hồi giấy phép đã cấp và tạm dừng việc cấp giấy phép nhập khẩu cho các công ty nhập khẩu cá Tầm không đúng, cho đến khi các hành vi vi phạm được xử lý”, Hiệp hội kiến nghị.

Có dấu hiệu tiếp tay của doanh nghiệp

Ngày 26/3/2021, Tổng cục Hải quan đã có văn bản số 1423/TCHQ-GSQL gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT) về việc phối hợp kiểm tra các lô hàng cá Tầm nhập khẩu. Trong đó, thực hiện Công văn số 580/BNN-TCTS ngày 26-1-2021 của Bộ NN & PTNT về việc kiểm soát nhập khẩu cá Tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm.

Cơ quan Hải quan đã đưa ra cảnh báo hệ lụy từ môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các thương vụ nhập lậu cá Tầm Trung Quốc vào Việt Nam, đồng thời đưa ra các phương án để ngăn chặn, xử lý tận gốc.

Cụ thể, ngày 17/3 Công ty TNHH Đầu tư & XNK An Hưng đã đăng ký tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị – Lạng Sơn nhập khẩu 12 tấn cá Tầm Xiberi từ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi lấy mẫu, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 cho biết hàng hóa nhập khẩu thực tế của doanh nghiệp không đúng chủng loại với khai báo Hải quan và Giấy phép nhập khẩu.

Kiểm tra lưu kho của doanh nghiệp này ngày 23/3, toàn bộ lô hàng doanh nghiệp đã tự ý đưa đi tiêu thụ khi chưa được cơ quan Hải quan xác nhận thông quan.

Cùng trường hợp, ngày 19/3, Công ty TNHH Nông Lâm Thủy sản Đức Vui đăng ký tờ khai nhập khẩu 9,2 tấn cá Tầm Xiberi, có xuất xứ Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau khi Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Chi cục Hải quan cửa khẩu Quốc tế Lào Cai vào cuộc kiểm tra, 6 mẫu cá nhập thực tế không đúng chủng loại với khai báo hải quan và giấy phép được cấp trước.

Hàng tấn cá Tầm nhập lậu từ Trung Quốc bị thu giữ, tiêu hủy

Theo Tổng cục Hải quan, tại cuộc họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), qua mẫu giám định, nhiều viện, cơ quan chức năng đã xác định được lô hàng thuộc loại cá Tầm lai. Việc nhập khẩu loài cá lai tiềm ẩn nguy hại đến môi trường, tương tự các loại ốc bươu vàng, rùa tai đỏ.

Hải quan Việt Nam đề nghị Bộ NN&PTNT không cho phép doanh nghiệp đưa hàng về kiểm dịch tại các địa điểm bảo quản theo đề nghị của doanh nghiệp, cho  đến khi có kết quả giám định của các đơn vị liên quan để đảm bảo an ninh, an toàn, phòng chống lây lan dịch bệnh, bảo vệ môi trường.

Trường hợp không đúng với Giấy phép, Tổng cục Hải quan đề nghị Bộ NN&PTNT trao đổi với Cơ quan CITES Trung Quốc và có biện pháp xử lý triệt để đối với vấn đề này, tránh việc cá Tầm không rõ nguồn gốc nhập khẩu tràn lan vào Việt Nam.

Tổng cục Hải quan yêu cầu các Cục, Chi cục Hải quan phải thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với các lô hàng cá Tầm nói riêng và các mặt hàng động vật, thực vật tươi sống hoặc đã qua chế biến nhập khẩu; phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, có cảnh báo để ngăn chặn việc các loài động vật ngoại lai có hại hoặc không có trong danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam (như: tôm hùm đỏ, tôm hùm đất, rùa tai đỏ…) nhưng vẫn được nhập vào Việt Nam. (Còn nữa)

theo GDTĐ

Bài viết cùng chuyên mục