GNO- Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau mới đây đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng cho 26 sản phẩm của 14 chủ thể tham gia Chương trình OCOP đợt II năm 2021.
Theo đó, 26 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Cà Mau công nhận đều đạt thứ hạng 3 sao, gồm: Rượu trái giác 5 Quốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại, dịch vụ du lịch sinh thái U Minh Hạ Huỳnh Quốc Sơn; Cam 3 Tình của hộ kinh doanh nông trại 3 Tình; Nước cốt trái nhàu nguyên chất SK NONI của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất thương mại SK NONI; Mắm ruốc xào 9 Thúy của Hợp tác xã Nông Thịnh Phát; Bánh phồng tôm, Tôm khô của Hợp tác xã (HTX) chế biến, thương mại, dịch vụ nuôi trồng thủy sản Cái Bát; Ghẹ sấy chua cay, Cá cơm sấy giòn, Ghẹ xay, Bánh phồng ghẹ của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ và thương mại Minh Thảo – Chi nhánh III;..
Mắm tôm Sông Đầm, Tôm sú – thẻ ép của của HTX Sông Đầm; Tôm khô, Khô cá kèo, Chả tôm của hộ kinh doanh Ngọc Giàu; Nha đam Cô Ba Gần của hộ kinh doanh Cô Ba Gần; Bánh phồng tôm, Bánh phồng chuối của HTX nuôi trồng Hồng Hoa; Chà bông tôm, Chả tôm sinh thái của HTX Tài Thịnh Phát FARM; Mắm lóc Thới Bình của hộ kinh doanh Yến Khoa; Bột gạo lức – đậu xanh – mè đen, Bột gạo lứt – hạt sen, Bột 5 loại đậu của hộ kinh doanh Quách Tệt; Rượu nhàu, Rượu đông trùng hạ thảo của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Nguyễn Gia Cà Mau.
26 sản phẩm OCOP kể trên sẽ được phép sử dụng biểu trưng của Chương trình OCOP và thứ hạng sao để in ấn trên bao bì sản phẩm; đồng thời được hỗ trợ phát triển sản phẩm Chương trình OCOP theo quy định hiện hành.
Để tiếp tục phát triển các sản phẩm OCOP, UBND tỉnh Cà Mau đề nghị các chủ thể có sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP tiếp tục tiêu chuẩn hóa, phát triển sản phẩm, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, bổ sung hoàn thiện sản phẩm để tham gia nâng hạn sản phẩm; đồng thời đẩy mạnh xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau cũng đã ban hành Quy chế quản lý sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Trong đó, quy định các chủ thể OCOP xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của cơ quan quản lý nhà nước và các quy định hiện hành.
Quy trình sản xuất phải được được xây dựng từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và xuất bán ra thị trường; nguyên liệu sản xuất đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quy định…