GNO- Được biết BCG Energy đang tập trung với nguồn đầu tư lớn để trở thành doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam và khu vực, tuy nhiên tham vọng này của Bamboo Capital cũng đang gặp phải không ít chướng ngại vật…
Tại ĐHCĐ thường niên năm 2021 của Tập đoàn Bamboo Capital (BCG), ông Nguyễn Hồ Nam, Chủ tịch HĐQT cho biết năng lượng tái tạo là một trong các lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn.
Trong giai đoạn tới, lĩnh vực này sẽ tiếp tục được ưu tiên đầu tư bên cạnh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp và thương mại. BCG đặt mục tiêu trong trung và dài hạn sẽ đưa công ty con là BCG Energy thành doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam và khu vực.
Tập trung tối đa vào năng lượng tái tạo
Thời gian qua BCG Energy đã tập trung đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo với nhiều hình thức như cánh đồng năng lượng mặt trời, năng lượng mặt trời áp mái, năng lượng gió.
Cụ thể, trong năm 2020, BCG Energy đã tiếp tục vận hành hai nhà máy BCG Băng Dương công suất 40,6 MW và Gala công suất 100,5 MW. Ngoài ra BCG Energy cũng đã hòa lưới điện nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 1,2 và 3 tại Bình Định với công suất 330 MW.
Trong đó, nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ ở Bình Định có tổng vốn đầu tư 6.200 tỷ đồng được xây dựng thần tốc, chỉ sau 7 tháng thi công đã đưa vào khai thác thương mại 216 MW và trong tháng 2/2021 đã đóng điện 114MW còn lại.
Cùng với dự án VNECO Vĩnh Long công suất 49,3 MW đã đóng điện thành công sau thời gian thi công 85 ngày đêm, đã nâng tổng công suất các dự án nhà máy điện mặt trời đã phát điện của BCG Energy lên 519,3 MW.
Mảng năng lượng mặt trời áp mái cũng được BCG Energy quan tâm nhờ ưu thế triển khai nhanh và vấn đề quá tải hệ thống truyền tải đang được cải thiện. BCG Energy đã ký kết hợp tác với Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. HCM (HBA) về việc hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng điện mặt trời áp mái tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao trên địa bàn TP. HCM.
Trong năm 2020, BCG Energy đã triển khai nhiều dự án điện mặt trời áp mái ở TP. HCM, Quảng Nam, Bình Định, Long An…với công suất 100 MW. Trong đó các dự án đã hoàn thành việc đóng điện có công suất 46,84 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 705 tỷ đồng.
Năng lượng gió cũng nằm trong chiến lược phát triển của BCG Energy. Trong năm 2020, Công ty đã hoàn tất các thủ tục pháp lý đối với các dự án nhà máy điện gió BCG Wind Sóc Trăng có công suất giai đoạn 1 là 50 MW, dự án điện gió Khai Long 1, 2 và 3 với tổng công suất 300 MW tại Cà Mau, dự án điện gió Đông Thành 1,2 tại Trà Vinh có công suất 200 MW.
Tổng công suất các dự án điện gió của BCG Energy đã hoàn thành thủ tục pháp lý để đủ điều kiện triển khai thi công khoảng 450 MW. Để đầu tư các dự án này cần khoảng 1,1 tỷ USD cho giai đoạn 2021 – 2023.
Những trở ngại của BCG Energy
Dù các dự án năng lượng mặt trời của BCG Energy đã phát điện có tổng công suất hơn 500 MW, nhưng con số này mới chỉ bằng một nửa so với mảng năng lượng tái tạo của Trungnam Group (1.064 MW), doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường.
Vì vậy để đạt được tham vọng trở thành doanh nghiệp phát triển năng lượng tái tạo hàng đầu Việt Nam và khu vực, BCG Energy cần nguồn vốn đầu tư rất lớn để triển khai thành công các dự án.
Năm ngoái, Bamboo Capital đã ký kết thỏa thuận hợp tác với ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank) về việc tài trợ 11.000 tỷ đồng cho các dự án năng lượng tái tạo trong vòng hai năm. Theo đó sẽ có khoảng 8.000 tỷ đồng giành phát triển các dự án điện gió, 3.000 tỷ đồng giành cho các dự án năng lượng mặt trời và 1.000 tỷ đồng giành cho các dự án năng lượng mặt trời áp mái.
Bên cạnh nguồn vốn vay từ ngân hàng, Tập đoàn sẽ huy động vốn thông qua hình thức phát hành cổ phiếu và trái phiếu.
Theo cập nhật của BCG, vốn chủ sở hữu tính đến cuối năm 2020 là 1.681 tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu hết năm 2020 gần 5,6 lần, tương ứng với giá trị 9.396 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 0,16 lần.
Dự kiến năm 2021, BCG sẽ tiếp tục huy động tối đa 3.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không bao gồm chứng quyền, có hoặc không có tài sản đảm bảo. Điều này có nghĩa nợ vay của Tập đoàn và công ty con sẽ tiếp tục tăng.
Một thách thức nữa được ông Phạm Minh Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc Bamboo Capital thừa nhận đó là với dự án điện gió thì Quyết định 39 sẽ hết hạn vào 31/10/2021, hiện Chính phủ chưa có quy định mới.
Còn các dự án của BCG Energy thì không thể phát điện trước 31/10/2021 do chưa sẵn sàng về các trạm, đường dây dẫn nối. Doanh nghiệp dự kiến đấu nối vào cuối quý 2/2022, một phần còn lại vào năm 2023. Điều này có nghĩa BCG Energy đang phụ thuộc hoàn toàn vào chính sách phát triển năng lượng tái tạo của quốc gia.
Việc xây lắp các dự án trong thời gian ngắn cũng đã để lại những sai xót khiến địa phương nơi đặt dự án phải giải trình. Đơn cử như khi BCG Energy đưa dự án Phù Mỹ vào vận hành thương mại 216 MW thì tỉnh Bình Định phải giải trình vấn đề làm sai lệch hồ sơ chênh lệch diện tích đất rừng phòng hộ.
Năm 2020, Bamboo Capital đạt 1.855 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, bằng 96,9% so với kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 266 tỷ đồng, bằng 144% so với kế hoạch. Trong đó riêng BCG Energy góp 5,1 tỷ đồng doanh thu và 58,5 tỷ đồng lợi nhuận. Dự kiến năm 2021, BCG Energy sẽ tăng trưởng đột biến khi đem về 1.156,5 tỷ đồng doanh thu và 266 tỷ đồng lợi nhuận cho Tập đoàn.
Cường Minh (t/h)