10/03/2023 18:34 | gocnhinonline

GNO- Trong 2 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sắn đạt gần 900 nghìn tấn, với kim ngạch 375,7 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước, đưa sắn trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn thứ 4 trong nhóm nông sản (sau cà phê, rau quả và gạo)…

Dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1, sang đến tháng 2, xuất khẩu sắn đã bật tăng mạnh mẽ.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường lớn nhất khi chiếm 94,69% tổng lượng xuất khẩu các sản phẩm sắn của Việt Nam

Trung Quốc chiếm 95% giá trị sắn xuất khẩu của Việt Nam

Cụ thể, trong tháng 2/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 663 nghìn tấn, với kim ngạch 283 triệu USD, tăng 32,7% về giá trị so với tháng 2/2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt gần 900 nghìn tấn, với kim ngạch 375,7 triệu USD, tăng 19% so cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, trong tổng lượng xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2023, tinh bột sắn xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 444 nghìn tấn. Trong đó, lượng tinh bột sắn xuất đường biển cao gấp gần 2 lần so với đường xuất biên mậu

Về thị trường xuất khẩu, theo số liệu của Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp, trong 2 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc là thị trường lớn nhất khi chiếm 94,69% tổng lượng xuất khẩu từ các sản phẩm sắn của Việt Nam. Trong tháng 2/2023, Việt Nam xuất khẩu 255.400 tấn tinh bột sắn sang thị trường Trung Quốc, chiếm tới 94,4% tổng thị phần xuất khẩu tinh bột sắn của Việt Nam.

Trong 2 tháng đầu năm, lượng sắn xuất khẩu sang Trung Quốc tăng tới 30,8%, trong khi lượng xuất sang Hàn Quốc giảm 7,3% so với cùng kỷ năm trước.

Một số thị trường khác vẫn tăng trưởng tốt, trong đó Philippines có mức tăng trưởng về trị giá cao nhất với mức tăng 967%; đứng sau là Malaysia tăng 160%. Ngược lại, Hàn Quốc là thị trường có mức giảm lớn nhất với 67%, đứng thứ hai là Đài Loan (Trung Quốc) với -36%…

Nếu như 2 tháng đầu 2022, Việt Nam không ghi nhận xuất khẩu các sản phẩm sắn sang Nhật Bản thì trong 2 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu được hơn 900 tấn sang thị trường này, tương ứng đạt 550 nghìn USD.

Nhìn lại năm 2022, xuất khẩu các sản phẩm từ sắn của Việt Nam đạt 3,25 triệu tấn, trị giá 1,4 tỷ USD, tăng 13,3% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam năm 2022 ở mức 432,7 USD/tấn, tăng 5,6% so với năm 2021.

Tính riêng mặt hàng sắn, năm 2022, xuất khẩu sắn đạt 760,29 nghìn tấn, trị giá 221,04 triệu USD, giảm 10,4% về lượng và giảm 0,3% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân sắn năm 2022 ở mức 290,7 USD/tấn, tăng 11,3% so với năm 2021.

Năm 2022, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 91,67% về lượng và chiếm 91,47% về kim ngạch trong tổng xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của cả nước, với 2,98 triệu tấn, trị giá 1,28 tỷ USD, tăng 11% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc năm 2022 ở mức 356,8 USD/tấn, tăng 6,6% so với năm 2021. Trong năm 2022, Việt Nam là nguồn cung lớn thứ 2 cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc, thị phần tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc chiếm 37,49%, tăng mạnh so với mức 17,56% của năm 2021.

Giá sắn xuất khẩu đang trên đà tăng

Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp cho biết trong tháng 1/2023, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn ở mức 392,6 USD/tấn, tăng 0,1% so với tháng 12/2022, và giảm 8,8% so với tháng 1/2022.  Riêng mặt hàng sắn lát,  xuất khẩu bình quân ở mức 256,8 USD/tấn, giảm 0,3% so với tháng 12/2022 và giảm 4,2% so với tháng 1/2022.

Sang tháng 2/2023, giá sắn xuất khẩu tăng mạnh mẽ. Trong đó, giá xuất khẩu sắn lát sang thị trường Trung Quốc trong tháng 2/2023 đạt khoảng 280 USD/tấn FOB – Quy Nhơn, tăng 20 USD/tấn so với cuối tháng 1/2023. Giá sắn lát xuất khẩu sang Hàn Quốc ở mức 310 USD/tấn (FOB, cảng Quy Nhơn), tăng 20 USD/ tấn so với cuối tháng 12/2022.

    • “Với mặt hàng tinh bột sắn, hiện nay các nhà máy Việt Nam đang chào bán tinh bột sắn với mức giá trong khoảng 455-485 USD/tấn FOB – cảng TP.HCM, tăng 10-30 USD/tấn so với cuối tháng 1/2023”.     Ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp.

Hiệp hội Sắn Việt Nam nhận định, thời điểm này, lượng hàng tinh bột sắn giao dịch đã có tín hiệu tích cực do khách hàng Trung Quốc có nhu cầu mua để sản xuất sau khi Chính phủ nước này mở cửa sau dịch Covid-19. Lượng hàng tinh bột sắn giao dịch qua các cửa khẩu biên giới với Trung Quốc tăng do thủ tục nhập khẩu phía Trung Quốc thực hiện nhanh hơn.

Theo báo cáo của Hiệp hội Sắn Việt Nam, từ tháng 2/2023 đến nay do sức mua tăng từ thị trường Trung Quốc, giá sắn nguyên liệu tăng tại nhiều tỉnh, thành phố. Hiện, giá sắn tươi thu mua dao động ở mức 3.150-3.250 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với cuối tháng 1/2023.

Việt Nam hiện có có 528.000 ha sắn. Trên địa bàn cả nước có 27 tỉnh có nhà máy chế biến tinh bột sắn và có khoảng 120 nhà máy chế biến tinh bột sắn quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kết 11,3 triệu tấn củ tươi/năm.

Trong đó, có khoảng 26% số cơ sở có gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chiếm khoảng 70% tổng sản lượng sắn thu hoạch của cả nước. Việt Nam và là nước xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn đứng thứ ba thế giới sau Thái Lan, Campuchia và đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu sau Thái Lan.

Đề cập những điểm yếu của ngành sắn, Hiệp hội Sắn Việt Nam chỉ ra rằng: Tiêu thụ sắn và sản phẩm sắn của Việt Nam có nhiều khâu trung gian, cạnh tranh quốc gia thấp do chi phí logistics của Việt Nam cao, hiện nay đang gặp cạnh tranh gay gắt về thị trường xuất khẩu từ các nước Thái lan, Campuchia và Lào.

Bên cạnh đó, đa số công nghệ chế biến tinh bột sắn đang được sử dụng ở Việt Nam toàn bộ bột sau khi nghiền ra sẽ được ngâm trong nước rồi sau nhiều lần lắng lọc. Hiện chưa nhiều nhà máy chế biến sâu. Vì vậy, khuyến cáo các nhà máy sản chế biến sắn cần đầu tư công nghệ mới để chế biến tinh bột sắn, cần dần dần loại bỏ hình thức lắng lọc tự nhiên, thay vào đó nên dùng hệ thống máy ly tâm để tách lấy tinh bột ra khỏi sắn.

Ông Nghiêm Minh Tiến, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Sắn Việt Nam cảnh báo: “Với tình trạng hơn 94% lượng sắn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là một rủi ro cho thị trường. Vì vậy, phải sớm tránh tình trạng “bỏ trứng vào một giỏ”, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường trong nhiều năm sắp tới là điều bắt buộc.

“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng cơ quan chức năng và Hiệp hội Sắn Việt Nam đang nghiên cứu để nâng cao chất lượng sắn xuất khẩu sang các thị trường khác, đặc biệt là thị trường EU tiềm năng”, ông Tiến thông tin, đồng thời cho rằng vấn đề đặt ra là phải phát triển quy mô chế biến sâu, chế biến sản phẩm sau tinh bột để đa dạng hóa sản phẩm, lúc đó mới có thể đa dạng hóa thị trường.

“Một số doanh nghiệp thành viên của hiệp hội đã đưa sản phẩm tới một số quốc gia khác ngoài Trung Quốc như Belarus, Nga, Nhật Bản, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Trung Đông và châu Phi thông qua tận dụng các hiệp định thương mại tự do. Vì vậy đây là kinh nghiệm để các địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu để phát triển, đa dạng sản phẩm sắn”, ông Tiến nhấn mạnh.

theo Chu Khôi/vneconomy

Bài viết cùng chuyên mục