08/07/2022 12:06 | gocnhinonline

GNO- Thời gian qua, các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số diễn ra hết sức phổ biến với nhiều thủ đoạn tinh vi gây khó khăn cho công tác kiểm tra, xử lý.

Những con số đáng báo động

Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ KH&CN, Trưởng ban thường trực Chương trình 168, trong năm 2021, các lực lượng chức năng của 9 bộ ngành là thành viên chương trình đã giải quyết 340 vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong đó chủ yếu là xử lý bằng biện pháp hành chính (327 vụ), khởi tố xét xử 13 vụ, với tổng số tiền phạt gần 4,7 tỷ đồng. Cùng với đó là tiến hành tiêu hủy hàng hóa vi phạm, thay đổi tên miền…

Thanh tra Bộ KHCN đã xử lý, xử phạt vi phạm với số tiền lên đến hơn 28,5 tỷ đồng và tổng số giá trị hàng hóa vi phạm hơn 61,55 tỷ đồng

Đặc biệt, Bộ Luật Hình sự được ban hành với Điều 226 là một bước tiến lớn của Việt Nam trong việc xác định trách nhiệm pháp lý cao hơn đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương xử lý số vụ khá lớn (hơn 2.200 vụ) về các hành vi vi phạm hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ với tổng số tiền xử phạt vi phạm lên đến hơn 28,5 tỷ đồng và tổng số giá trị hàng hóa vi phạm hơn 61,55 tỷ đồng.

Phía Tổng cục Hải quan (Bộ Tài Chính) cũng đã xử lý 37 vụ về hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với trị giá tang vật hơn 4,867 tỷ đồng.

Đối với Thanh tra Bộ KH&CN đã xử lý 51 đơn yêu cầu xử lý vi phạm với tổng số tiền xử phạt 75,8 tỷ đồng, tiêu hủy loại bỏ yếu tố vi phạm 2.400 sản phẩm đồ uống và hơn 1.100 sản phẩm túi ví thời trang…

Khó khăn trong công tác xử lý vi phạm

Các chuyên gia cho biết, nếu như trước đây các vụ việc vi phạm nhãn hiệu khá phổ biến thì trong giai đoạn hiện nay có những điểm đặc mới. Theo đó, trong một vụ việc có sự kết hợp của nhiều hành vi khác nhau, xâm phạm quyền cả trên môi trường hữu hình lẫn môi trường thương mại điện tử, đặc biệt là xâm phạm quyền trên môi trường kỹ thuật số đang bùng nổ như hiện nay. Bên cạnh đó, cùng một lúc có nhiều hành vi vi phạm khác nhau, vừa xâm phạm quyền với nhãn hiệu, tên thương mại và tên miền.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Aaron Herps, Giám đốc Bộ phận bảo vệ nội dung khu vực châu Á- Thái Bình Dương, Giải bóng đá Ngoại hạng Anh cho biết đơn vị của ông đã và đang phải đối mặt với nhiều hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở khu vực.

Chiến dịch chống xâm phạm quyền tác giả của đơn vị dựa trên 4 nền tảng chính là công nghệ; các công cụ làm gián đoạn; các biện pháp pháp lý, khởi kiện, truy tố hình sự và giáo dục. Đơn vị này đã áp dụng hình thức chặn quyền truy cập trái phép ở 228 quốc gia và vùng lãnh thổ phát sóng Giải ngoại hạng Anh.

Tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số ngày càng tăng

Tại Việt Nam, sau thời gian phối hợp với các cơ quan chức năng đã làm giảm 93% lượng truy cập vào các trang web vi phạm bản quyền phát sóng. Tuy nhiên, kiểm tra sau khi chặn, có tới 60% trang web lại chuyển sang một tên miền khác để tiếp tục phát các chương trình vi phạm. Do đó, đơn vị phải tiếp tục hành trình chặn các tên miền mới này, ông Aaron Herps cho biết.

Tương tự, trên thương mại điện tử, có không ít trường hợp đối tượng tái phạm nhiều lần, tiếp tục bán hàng hóa xâm phạm bằng cách tạo tài khoản mới. Kể cả khi chủ thể quyền phát hiện xâm phạm và yêu cầu sàn thương mại điện tử gỡ bỏ link sản phẩm, cấm tài khoản này thì đối tượng lại mở tài khoản mới.

Hiện chưa có cơ chế buộc các sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về sự xuất hiện lặp đi lặp lại của đối tượng vi phạm trên nền tảng của mình. Do đó, hoạt động gỡ bỏ vi phạm của chủ thể quyền sẽ phải lặp đi lặp lại.

Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên môi trường số ngày càng phức tạp và tinh vi nhưng hoạt động thực thi lại gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất trong việc xử lý, bảo vệ quyền là tìm ra nguồn gốc đầu nậu sản xuất hàng giả, hàng nhái để xử lý.

Luật sư Vũ Hồng Yến, Giám đốc Công ty Luật Rouse Việt Nam cho biết có 4 thách thức mà chủ thể quyền gặp phải trong thời gian qua. Thứ nhất, một vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ thuộc thẩm quyền xử lý của nhiều cơ quan. Luật sư Yến phân tích do xu hướng vụ việc xâm phạm nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ cùng lúc nên thẩm quyền xử lý ở nhiều cơ quan thay vì chỉ 1-2 cơ quan như trước đây.

Thứ hai, các vướng mắc trong xử lý vi phạm trên môi trường số, các website và sàn thương mại điện tử. Các hành vi vi phạm trên môi trường số chủ yếu đến từ 3 loại website chính là: thương mại điện tử trung gian, website “.vn” và “.com” độc lập. Các đối tượng lập nhiều website để thực hiện hành vi vi phạm. Với các trang web độc lập, các đối tượng che giấu thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc, mua bán, thanh toán, vận chuyển online nên việc điều tra rất khó khăn. Trong khi đó, các sàn không tiết lộ thông tin đối tượng vi phạm cho chủ thể quyền.

Thứ ba, các bằng chứng về hành vi xâm phạm để chứng minh đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

Thứ tư, thiếu biện pháp xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm trên môi trường số. Dẫn chứng thực tế hỗ trợ một khách hàng xử lý xâm phạm quyền với một doanh nghiệp, bà Yến cho biết đơn vị này cùng lúc đăng ký hơn 80 tên miền tạo các trang web khác nhau nhằm lập sàn giao dịch điện tử bán hàng online. Đơn vị này đã dùng tên thương mại xâm phạm nhãn hiệu, giả trang thương mại điện tử như của chủ thể quyền. Điều này gây nhầm lẫn cho người dùng khi mua hàng. Để thực thi quyền, chặn các trang web này rất mất thời gian.

Xử lý triệt để vi phạm

Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, Luật sư Yến khuyến nghị cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động của Chương trình 168 để Bộ Khoa học và Công nghệ và cơ quan thành viên có thể phối hợp thực hiện quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể quyền. Đồng thời nghiên cứu thiết lập cơ chế báo cáo trực tiếp với Thủ tướng để điều phối thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, ban hành văn bản hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Luật sư cũng khuyến nghị nghiên cứu có thể cho phép nhiều cơ quan thực thi có thẩm quyền áp dụng biện pháp chặn trang web đối với các vi phạm trực tuyến. Áp dụng các yêu cầu khắt khe hơn đối với người bán trên sàn thương mại điện tử cung cấp thông tin cá nhân, vị trí kho hàng, nguồn gốc sản phẩm phân phối… Đặc biệt cần áp dụng các biện pháp xử phạt nặng hơn đối với các đối tượng vi phạm nhiều lần…

theo Phong Lâm/vietq

Bài viết cùng chuyên mục