22/04/2023 11:16 | gocnhinonline

GNO- Dịch Covid-19 đang tăng số ca mắc ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao; cúm, viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác cũng leo thang trong thời điểm giao mùa, đe dọa nguy cơ “dịch chồng dịch”. Nghiêm trọng hơn khi đồng nhiễm Covid-19 cùng các bệnh hô hấp do virus, vi khuẩn diễn biến phức tạp.

Nguy cơ đồng nhiễm

Ghi nhận của phóng viên tại khoa Nội hô hấp, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TPHCM thời gian qua, tiếp nhận nhiều bệnh nhân là trẻ em và người cao tuổi nhập viện điều trị vì biến chứng viêm phổi nặng. Đơn cử, bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân đang mang thai vào viện trong tình trạng sốt cao, ho, khó thở. Kết quả cho thấy bệnh nhân mắc Covid-19, bội nhiễm cúm A.

Bệnh nhân được cho dùng thuốc kháng virus cúm, nhưng do tình trạng suy hô hấp ngày càng nghiêm trọng, bác sĩ buộc phải cho bệnh nhân thở máy. Sau 3 ngày điều trị, bênh nhân cai được máy thở, sức khỏe cải thiện, cần theo dõi sát sao tình trạng mẹ và thai nhi.

BSCKI Bạch Thị Chính – Giám đốc Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC cảnh báo, cúm mùa tàn phá phổi và gây nguy hiểm tính mạng không kém Covid-19. Đây là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây qua đường hô hấp và gây ra bởi phân tuýp virus cúm A/H1N1, A/H3N2 và dòng virus cúm B/Yamagata, B/Victoria. Virus cúm gây gia tăng từ 6 – 10 lần nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng 100 lần nguy cơ viêm phổi, thúc đẩy những cơn kịch phát ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mãn tính hen suyễn… Hiện nay, dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại, nếu đồng nhiễm cùng lúc cúm và Covid-19 có thể gây khó khăn trong công tác điều trị, nguy cơ tử vong tăng cao.

Người cao tuổi nhập viện điều trị vì biến chứng viêm phổi nặng

Không chỉ bị mắc Covid-19, bội nhiễm cúm A, nhiều bệnh nhân còn mắc Covid-19, bội nhiễm phế cầu khuẩn. Bệnh nhân P.T.H. (63 tuổi, quận Gò Vấp, TPHCM) nhập viện trong tình trạng đau tức ngực, khó thở, mạch đập nhanh, đường huyết tăng vọt. Bà mắc bệnh đái tháo đường 10 năm nay. Ngày 13/4, bệnh nhân sốt 38 độ C, hắt hơi, sổ mũi, nghi bị cúm nên bà uống thuốc hạ sốt và tự điều trị ở nhà. Bệnh không giảm nên bà đi khám và được chẩn đoán mắc Covid-19, bội nhiễm phế cầu khuẩn trên nền đái tháo đường dẫn đến nhiễm trùng, tổn thương phổi, suy hô hấp nghiêm trọng, phải thở máy. Tình trạng viêm phổi làm đường huyết tăng cao, khó kiểm soát.

Theo BS Trương Hữu Khanh – Phó Chủ tịch Liên chi Hội truyền nhiễm TPHCM, phế cầu khuẩn gây đồng nhiễm, bội nhiễm ở bệnh nhân Covid-19 khiến việc điều trị trở nên khó khăn và kéo dài, nguy cơ để lại nhiều di chứng ở hệ thần kinh, hệ hô hấp (xẹp phổi, áp xe phổi, phù phổi, suy hô hấp), hệ vận động. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và người cao tuổi.

Viêm phổi do phế cầu khuẩn cực kỳ nguy hiểm, với tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở nhóm đối tượng nguy cơ cao như trẻ nhỏ và người già. Ngoài ra, phế cầu khuẩn còn gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng khác như viêm màng não, nhiễm trùng máu, viêm tai giữa, viêm xoang… “Nếu đồng nhiễm cùng tác nhân khác nguy cơ biến chứng nặng như viêm màng ngoài tim, phù thũng, xẹp phổi… ở nhóm này rất cao” – BS Khanh cho biết.

Cần tiêm vaccine phế cầu khuẩn, cúm

Nghiên cứu của Tập đoàn Dược phẩm Pfizer kết hợp với các trường đại học và Viện Nghiên cứu tại Hàn Quốc tiến hành trong đại dịch Covid-19 cho thấy, có khoảng 45% tỷ lệ nhiễm trùng thứ phát hoặc đồng thời liên quan đến Covid-19, nguyên nhân phổ biến nhất là do phế cầu khuẩn. Bệnh nhân Covid-19 bị đồng nhiễm vi khuẩn có nguy cơ tử vong gấp gần 6 lần so với bệnh nhân chỉ mắc Covid-19. 24% bệnh nhân mắc Covid-19 bị bội nhiễm mắc bệnh nặng hơn và có nguy cơ tử vong cao hơn.

Theo các chuyên gia y tế, Covid-19 đang tăng cao, số ca mắc chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính… Trong khi đó, cúm, viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác đang diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa, đe dọa nguy cơ “dịch chồng dịch”, tăng biến chứng viêm phổi cấp, suy hô hấp nghiêm trọng khi đồng nhiễm Covid-19 cùng các bệnh hô hấp do virus, vi khuẩn.

BS Bạch Thị Chính cho biết, nhiều nghiên cứu cho thấy người lớn tuổi được tiêm vaccine phế cầu có nguy cơ mắc Covid-19 thấp hơn 35% so với người lớn không được tiêm chủng. Thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng khác với trẻ em và người lớn chỉ rõ, vaccine phế cầu có khả năng bảo vệ từ 23 – 49% chống lại các virus hô hấp liên quan đến viêm phổi, bao gồm cả virus SARS-CoV-2 ở người.

“Đặc biệt, vaccine có thành phần phòng bệnh ho gà (như bạch hầu – ho gà – uốn ván) được chứng minh có khả năng tạo miễn dịch chéo với Covid-19 nhờ thành phần epitope giống nhau tạo ra các phản ứng chéo, phòng biến chứng nguy hiểm của Covid-19” – BS Chính cho biết.

Ngoài ra, theo BS Chính, vaccine cúm thế hệ mới và các vaccine như 5 trong 1, 6 trong 1, vaccine Quimi-Hib ngừa vi khuẩn Hib, vaccine Boostrix và Adacel ngừa ho gà – bạch hầu – uốn ván cũng có thể phòng viêm phổi và biến chứng nguy hiểm của viêm phổi.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM Nguyễn Hồng Tâm khuyến cáo, người dân nên tuân thủ theo quy định 2K (khẩu trang, khử khuẩn), vaccine của Bộ Y tế. Về liều tiêm vaccine đối với từng đối tượng cụ thể, ông Tâm cho biết, người trên 18 tuổi cần tiêm 2 liều cơ bản và 2 liều nhắc lại, trường hợp người trên 18 tuổi có sự suy giảm miễn dịch sẽ tiêm thêm 1 liều bổ sung.

“Những người có bệnh nền, nguy cơ cao, trên 50 tuổi, đặc biệt là 65 tuổi càng nên tiêm đủ 4 mũi” – ông Tâm nhấn mạnh. Đối với trẻ từ 12 – dưới 17 tuổi cần tiêm 2 mũi cơ bản và 1 mũi nhắc lại. Riêng trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi được khuyến khích tiêm 2 mũi cơ bản. “Người đã mắc Covid-19 một hay nhiều lần thì số mũi tiêm vẫn như nhau. Không phải đã nhiễm là không phải tiêm hoặc tiêm ít hơn” – ông Tâm khuyến cáo.

Theo các chuyên gia y tế, Covid-19 đang tăng cao, số ca mắc chủ yếu ở nhóm người cao tuổi, người có nguy cơ cao như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính… Trong khi đó, cúm, viêm phổi và các bệnh đường hô hấp khác cũng đang diễn biến phức tạp trong thời điểm giao mùa, đe dọa nguy cơ “dịch chồng dịch”.

theo Thanh Giang/daidoanket

Bài viết cùng chuyên mục