14/04/2023 17:27 | gocnhinonline

GNO- Vừa qua, Bộ Tài chính tiếp tục phát đi thông cáo trong đó nhấn mạnh yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải ưu tiên thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Cụ thể, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, các Nghị định hiện hành của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đã quy định đầy đủ trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trong việc thanh toán đúng hạn lãi, gốc trái phiếu khi đến hạn và thực hiện các quyền kèm theo (nếu có) cho chủ sở hữu trái phiếu theo điều kiện, điều khoản của trái phiếu; phải mua lại trái phiếu trước hạn bắt buộc nếu có vi phạm trong hoạt động phát hành trái phiếu.

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, các vụ việc vi phạm của Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát có tác động mạnh đến tâm lý của nhà đầu tư, thị trường TPDN bị ảnh hưởng nặng nề. Khối lượng phát hành mới sụt giảm, nhà đầu tư bán lại trước hạn nhiều, khối lượng mua trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp lớn. Bên cạnh đó, những tin đồn thất thiệt trên thị trường tài chính và khó khăn của thị trường bất động sản cũng tác động đến niềm tin của nhà đầu tư.

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải thực hiện đầy đủ cam kết với nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: KT)

Trước bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã tổ chức làm việc với gần 40 doanh nghiệp phát hành và tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) để tìm ra giải pháp củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tháo gỡ khó khăn và tăng tính thanh khoản của thị trường. Cùng với đó, từ cuối năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính thường xuyên yêu cầu các doanh nghiệp phải ưu tiên thực hiện thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2023, khối lượng trái phiếu đáo hạn tương đối lớn. Hiện các doanh nghiệp đang nỗ lực cân đối dòng tiền để thu xếp thanh toán đúng hạn, giữ uy tín với thị trường; tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn thanh khoản có thể chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Do đó, để ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại điều kiện cho doanh nghiệp có thêm thời gian xây dựng phương án tái cơ cấu nợ và hoạt động sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP quy định doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với nhà đầu tư để thanh toán trái phiếu bằng tài sản hợp pháp của mình; đàm phán với nhà đầu tư để thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu, trường hợp gia hạn trái phiếu thì tối đa không quá 2 năm.

Bộ Tài chính yêu cầu doanh nghiệp khẩn trương bố trí mọi nguồn lực để thanh toán nợ gốc, lãi trái phiếu đến hạn cho nhà đầu tư theo đúng cam kết.

“Trường hợp có khó khăn trong việc cân đối nguồn thực hiện chi trả, đề nghị doanh nghiệp phát hành chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có các biện pháp hài hòa, hợp lý, hiệu quả để cơ cấu lại các khoản nợ trái phiếu, cơ cấu phương thức thanh toán phù hợp với tình hình thực tế và theo đúng quy định của pháp luật”, thông báo của Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp phải tự thay đổi, chủ động xếp hạng tín nhiệm và thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, tăng cường công khai minh bạch, công bố thông tin về tình hình của doanh nghiệp để lấy lại niềm tin của thị trường và nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 13/4, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ phó Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính) khẳng định, doanh nghiệp còn dư nợ trái phiếu có trách nhiệm đến cùng đối với nghĩa vụ nợ trái phiếu, chủ động minh bạch hóa thông tin tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm, kiểm toán báo cáo tài chính, công bố đầy đủ thông tin về tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu, tình hình sử dụng vốn từ phát hành trái phiếu, có trách nhiệm thanh toán đầy đủ nghĩa vụ nợ trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố thông tin cho nhà đầu tư để đảm bảo uy tín trên thị trường.

Theo báo cáo mới công bố của VNDirect, trong năm 2023, ước tính giá trị đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vào khoảng 232.600 tỷ đồng. Trong đó, quý II sẽ có khoảng hơn 70.954 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tăng 127% so với quý I. Bất động sản vẫn là nhóm chịu áp lực đáo hạn trái phiếu lớn nhất, chiếm gần 40% tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn trong quý này. Đứng thứ 2 là nhóm tài chính ngân hàng với tỷ lệ chiếm hơn 37% tổng giá trị đáo hạn. Đến quý III, VNDirect ước tính sẽ có 77.738 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Và quý IV là 52.321 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.

theo Cẩm Tú/VOV.vn

Bài viết cùng chuyên mục