14/03/2023 16:09 | gocnhinonline

GNO- Nhiều sản phẩm sơn Nano của Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam chưa được chứng nhận, công bố hợp quy theo QCVN 08:2020/BCT khiến người dùng hoài nghi về chất lượng.

Sơn là vật liệu được sử dụng để quét lên bề mặt sản phẩm mang lại giá trị thẩm mỹ cao. Chì dùng làm dung môi để pha chế sơn do có nhiều đặc điểm chuyên dụng tăng thêm các tính năng cho sơn. Khi tiếp xúc ở mức độ nhất định, chì là chất độc đối với động vật cũng như con người. Do đó, tại Việt Nam đã có các quy định về hàm lượng chì tối đa trong sơn.

Trong đó, phải kể đến ngày 21/12/2020, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 51/2020/TT-BCT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì trong sơn. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2022 và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm sơn phải tiến hành công bố hợp quy trước khi đưa sản phẩm ra thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện nay đã có nhiều doanh nghiệp thực hiện việc chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy cho sản phẩm sơn theo QCVN 08:2020/BCT. Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp hiện chưa thực hiện quy định này. Điều này làm dấy lên lo ngại cho người tiêu dùng về chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm sơn được doanh nghiệp đưa ra thị trường.

Có thể dẫn chứng trường hợp Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam (có địa chỉ tại Tầng 2, Detech Tower, số 8 Tôn thất Thuyết, P. Mỹ Đình 2, Q. Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội. Ông Phạm Viết Thắng là người đại diện pháp luật và là Giám đốc của Công ty này. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam đang sản xuất, phân phối nhiều dòng sản phẩm sơn ngoại thất và nội thất. Tuy nhiên, các sản phẩm sơn do công ty này sản xuất, phân phối chưa được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo QCVN:8/2020/BCT về hàm lượng chì.

Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam hiện đang phân phối nhiều sản phẩm sơn chưa được chứng nhận hợp quy hàm lượng chì theo QCVN 08:2020/BCT

Để có thêm thông tin khách quan về sự việc, phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) liên hệ với ông Phạm Viết Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam. Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Viết Thắng khẳng định sản phẩm sơn của công ty này “đầy đủ giấy tờ, đã chứng nhận hợp quy và đảm bảo chất lượng”.

Tuy nhiên, theo tài liệu mà ông Phạm Viết Thắng cung cấp cho phóng viên, sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam mới chỉ được chứng nhận theo QCVN 16:2017/BXD chứ chưa được chứng nhận theo QCVN 08:2020/BCT của Bộ Công Thương về hàm lượng chì. Trong khi đó, vấn đề tòa soạn đề cập tới là việc công ty chưa thực hiện chứng nhận sản phẩm sơn theo QCVN 08:2020/BCT về hàm lượng chì.

Ông Phạm Viết Thắng còn gửi cho phóng viên cả giấy chứng nhận ISO 9001:2015 của công ty. Tuy nhiên, cả hai loại giấy tờ mà ông Thắng gửi đều đã hết hiệu lực.

Việc sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam không được chứng nhận hợp quy khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng về chất lượng sản phẩm sơn do công ty này phân phối. Bởi trên thực tế, chì là chất độc có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người dùng. Nếu như hàm lượng chì trong sơn không được kiểm soát, nguy cơ gây hại tới sức khoẻ người tiêu dùng sẽ là rất khó lường.

Một địa điểm phân phối sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam tại Quảng Ninh

Dư luận cũng không khỏi thắc mắc liệu sản phẩm sơn của Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam có đảm bảo chất lượng? Hàm lượng chì trong sản phẩm sơn của Công ty có ở mức giới hạn an toàn với sức khoẻ người dùng? Vì sao công ty này không tiến hành chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy sản phẩm sơn theo QCVN 8:2020/BCT? Trường hợp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sơn do công ty phân phối gặp vấn đề về sức khoẻ, công ty có chịu trách nhiệm?

Đối với trường hợp của Công ty Cổ phần TĐ Nano Việt Nam, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đề nghị Thanh tra Bộ Công Thương, Thanh tra Tổng cục TCĐLCL, Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc kiểm tra, xử lý sai phạm (nếu có).

Các chuyên gia về chống độc cho hay, chì là chất độc có tác động đến sức khoẻ trên diện rộng, đặc biệt ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hoá và huyết học. Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn và do chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.

Trẻ em bị nhiễm độc chì sẽ chậm lớn, chiều cao, vòng ngực, vòng đầu thấp hơn so với trẻ em không bị nhiễm độc chì. Ngoài ra, trẻ em cũng bị ảnh hưởng nếu như người mẹ bị nhiễm chì. Người mẹ có tiếp xúc nghề nghiệp với nồng độ chì máu ≥ 10 µg/dL có nguy cơ sẩy thai, sinh non và trẻ sơ sinh nhẹ cân.

Thống kê tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, nhiễm độc chì hiện nay ở Việt Nam còn xảy ra nhiều. Có bệnh nhân đến viện được phát hiện, có bệnh nhân còn đang ở ngoài cộng đồng. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc chì như khai khoáng quặng chứa chì, tái chế chì từ ắc quy, sử dụng thuốc y học cổ truyền có chứa chì đặc biệt là chứa hồng đơn… Ngoài ra, sơn chứa chì cũng là vấn đề cần quan tâm.

theo Phong Lâm/vietq

Bài viết cùng chuyên mục