11/05/2021 17:15 | gocnhinonline

Mới đây, các nhà nghiên cứu Hà Lan đã huấn luyện những con ong có khứu giác nhạy bén để phát hiện các trường hợp bị nhiễm COVID-19 trong thời gian chỉ vài giây.

Cụ thể, các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm nghiên cứu thú y sinh học của Đại học Wageningen, Hà Lan, đã thành công huấn luyện ong mật phát hiện COVID-19 qua khứu giác. Đặc biệt, nghiên cứu này giúp giảm thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm xuống chỉ còn vài giây.

Được biết, các nhà khoa học sử dụng những con ong mật bình thường để huấn luyện. Đầu tiên, họ cho chúng tiếp xúc với mùi của các mẫu vật bị nhiễm COVID-19, tiếp đó cho chúng uống nước đường như một phần thưởng. Ngược lại, mỗi lần những con ong tiếp xúc với mẫu không bị nhiễm bệnh, chúng sẽ không nhận được phần thưởng này.

Ong mật có thể phát hiện COVID-19 trong vài giây

Theo người tham gia dự án, giáo sư vi-rút học Wim van der Poel, khi đã quen với hệ thống này, những con ong có thể xác định mẫu vật bị nhiễm COVID-19 trong vòng vài giây sau đó tự đưa chiếc vòi hút của mình ra để “nhận thưởng”.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra việc kéo dài chiếc lưỡi như ống hút này cũng đồng nghĩa với việc xác nhận kết quả xét nghiệm dương tính với vi-rút corona.

Hiện nay, để có kết quả xét nghiệm COVID-19 các bác sĩ sẽ phải mất hàng giờ thậm chí vài ngày, nhưng nếu thay thế bằng ong mật, quá trình này có thể rút ngắn xuống còn chưa đến một phút. Hơn thế, phương pháp này cũng không đòi hỏi có kinh phí cao hay công nghệ tiên tiến, do đó được kỳ vọng sẽ hữu ích đối với những nơi có điều kiện xét nghiệm khó khăn và các quốc gia đang phát triển.

Tuy nhiên, Dirk de Graaf, một giáo sư nghiên cứu về côn trùng và miễn dịch học động vật tại Đại học Ghent ở Bỉ, lại bày tỏ mặc dù đây là một ý tưởng hay, song ông không thấy kỹ thuật này sẽ thay thế các hình thức xét nghiệm COVID-19 thông thường trong tương lai gần.

Lý do được ông đưa ra là có quá ít thông tin về thử nghiệm Wageningen để xác định hiệu quả thực sự của nghiên cứu này.

Trước đây, kỹ thuật dùng khứu giác côn trùng cũng đã được Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ thử nghiệm hiệu quả trong phát hiện chất nổ và chất độc vào những năm 1990. Khi đó, bướm đêm, ong vò vẽ và ong bắp cày cũng được sử dụng cho “mục đích an toàn trong phát hiện chất nổ và chẩn đoán y tế”.

theo Ngọc Đỗ (SHTT)

 

Bài viết cùng chuyên mục