18/05/2021 13:28 | gocnhinonline

Rầm rộ tư vấn dịch vụ làm đẹp bằng máu tự thân, bán mỹ phẩm không in số lô sản xuất trên bao bì… nhiều dấu hiệu sai phạm đang tồn tại trong hoạt động kinh doanh của Little Garden Spa.

Làm đẹp bằng máu tự thân

Theo ghi nhận của PV báo Kinh tế & Đô thị, Little Garden Spa đang “lén lút” cung cấp dịch vụ làm đẹp bằng máu tự thân (hay còn gọi là dịch vụ PRP), bất chấp Bộ Y tế chưa cấp phép thực hiện kỹ thuật này trong thẩm mỹ, làm đẹp tại Việt Nam.

Nhân viên tên Phương đang tư vấn liệu trình PRP cho PV. Ảnh cắt từ clip

Ngày 13/5, trong vai khách hàng, PV đã đến trực tiếp trụ sở Little Garden Spa ở địa chỉ 15 Hoàng Duy Khương, phường 12, quận 10, TP Hồ Chí Minh, và được nhân viên tên Phương nhiệt tình tư vấn.

Theo đó, Phương cho biết, dịch vụ “kỹ thuật tái tạo da chuyên sâu” trong bảng báo giá của Little Garden Spa là cách viết khác đi của dịch vụ PRP, phương pháp này giúp làn da “cải lão hoàn đồng”, hứa hẹn chỉ sau 1 liệu trình mặt không còn nếp nhăn, trắng sáng hồng hào.

“PRP bên em có giá 3 triệu đồng/lần, nhưng nếu chị chọn mua combo 5 lần cùng lúc, em sẽ tặng thêm cho chị 5 lần làm PRP miễn phí. Có nghĩa là chị chỉ cần bỏ ra 15 triệu đồng cho 10 lần làm đẹp bằng tế bào gốc tự thân”, Phương báo giá.

Để khách hàng hiểu hơn về phương pháp PRP, Phương nhấn mạnh, kỹ thuật PRP không phải là dùng máu bôi trực tiếp lên mặt, mà chính xác là lấy máu để tách hồng cầu, và sau khi tách chiết sẽ sử dụng phần huyết tương giàu tiểu cầu có màu vàng nhạt tiêm ngược lại vào da mặt: “Tiêm PRP đảm bảo da của chị sẽ căng bóng, mịn màng”, Phương nói thêm.

Tuy nhiên, liên quan đến kỹ thuật PRP mà Little Garden Spa đang cung cấp cho khách hàng, trao đổi với PV Báo Kinh tế & Đô thị, một bác sĩ thẩm mỹ tại TP Hồ Chí Minh cho biết, sử dụng PRP phục vụ trong làm đẹp hiện vẫn chưa được Bộ Y tế cho phép thực hiện tại bất cứ cơ sở nào gồm spa, thẩm mỹ viện, phòng khám… trên cả nước.

Để qua mặt cơ quan chức năng, Little Garden Spa in trên bảng báo giá dịch vụ PRP là dịch vụ kỹ thuật chăm sóc da chuyên sâu (khung bôi đỏ)

Cụ thể, PRP là từ viết tắt của cụm từ “Platelet-rich plasma” nghĩa là huyết tương giàu tiểu cầu. Hay đơn giản hơn, có thể hiểu, tế bào gốc là tế bào còn non, biệt hoá thành những tế bào khác nhau để có những chức năng khác nhau. Tế bào gốc được sử dụng nhiều trong y khoa nhưng chủ yếu là để điều trị bệnh lý chứ chưa được phép dùng để làm đẹp, trẻ hoá da. Về công dụng làm đẹp của tế bào gốc, hiện nay trên thế giới hay ở Việt Nam đều chưa có chứng cứ rõ ràng và chưa được phép sử dụng.

“Y học hiện nay vẫn đang có những nghiên cứu chuyên sâu để tách chiết tế bào gốc theo ý muốn của con người, nhưng ưu tiên trước hết là dùng trong việc chữa bệnh cứu người, sau đó mới đến làm đẹp. Chính vì vậy, trước khi công nghệ tế bào gốc làm đẹp được cấp phép chính thức, người dân không nên tin theo đồn đoán để sử dụng một phương pháp làm đẹp mơ hồ, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe”, bác sĩ này nhấn mạnh.

Dù đánh giá liệu pháp PRP ít xảy ra phản ứng dị ứng cho cơ thể, tuy nhiên, các bác sĩ vẫn khuyến cáo tiềm ẩn những nguy cơ khác bởi đây là một kỹ thuật điều trị có xâm lấn vào trong cấu trúc da. Các spa không được phép thực hiện cấy máu tự thân vì đây là phương pháp có xâm lấn, phải do các trung tâm y tế thực hiện. Vì nếu không thực hiện theo quy trình đảm bảo vô khuẩn chặt chẽ thì có nhiều nguy cơ nhiễm khuẩn và lây nhiễm chéo các bệnh như HIV, viêm gan C, viêm gan B… Bên cạnh đó, hồng cầu và các thành phần hữu hình khác trong máu có “ái tính” cao với vi khuẩn, nên nếu để phần huyết tương lẫn hồng cầu sẽ rất dễ gây ra phản ứng, viêm nhiễm cho khách hàng.

Sau PRP, Phương tiếp tục tư vấn cho PV công dụng của mỹ phẩm Mint Beauty. Ảnh cắt từ clip

Với các lý do trên, có thể khẳng định, Little Garden Spa cung cấp dịch vụ PRP là đang cung cấp dịch vụ cấm, cố tình vi phạm luật, đi ngược lại với các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế. Chưa kể, bên cạnh dịch vụ PRP, mỹ phẩm mang thương hiệu Mint Beauty đang được bày bán tại Little Garden Spa cũng gây khó hiểu vì trên bao bì không in số lô sản xuất.

Số lô sản xuất là bảo mật doanh nghiệp?

Quay lại buổi tư vấn của nhân viên tên Phương (trong ngày 13/5), sau khi thuyết phục PV làm dịch vụ PRP không thành, Phương chuyển hướng tư vấn cho PV dùng mỹ phẩm mang thương hiệu Mint Beauty mà Little Garden Spa đang bán.

Tại quầy trưng bày của Little Garden Spa, mỹ phẩm Mint Beauty chiếm số lượng lớn với nhiều mức giá khác nhau. Có thể kể đến như: Tắm trắng thuốc bắc (Whitening Face Shower) giá bán 150.000 đồng; Ủ sữa non dưỡng trắng da toàn thân (Colostrum Mask) giá bán 130.000 đồng; Kem body Lyxury II giá bán 1.000.000 đồng; Muối nghệ tươi (Turmeric Body Scrub) giá bán 200.000 đồng; Sữa rửa mặt trà xanh (Green Tea) giá bán 210.000 đồng…

Mỹ phẩm Mint Beauty bỏ trống số công bố, và không in thông tin số lô sản xuất

Chia sẻ với PV về nguồn gốc sản phẩm, Phương cho biết, chỉ một số ít dược mỹ phẩm là hàng nhập, còn lại tất cả đều do Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mint Beauty sản xuất. Tuy nhiên, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mint Beauty (Mã số thuế 0313661093) hiện đã đổi tên doanh nghiệp thành Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Beauty (trụ sở chính ở 48 Đường số 3, khu phố 4, phường Bình An, quận 2, TP Hồ Chí Minh), người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Phước Quang.

Theo quan sát, trên bao bì một vài sản phẩm có ghi công ty phân phối là Little Garden 15-17-19 Hoàng Duy Khương, phường 12, quận 10. Và nhà máy sản xuất ở D2/487D Vườn Thơm, Bình Lợi, Bình Chánh. Đáng chú ý, ngoài việc bỏ trống số công bố, hầu hết các mỹ phẩm này không in số lô sản xuất.

Liên quan đến nội dung này, sau khi mua hết 2.860.000 đồng tiền mỹ phẩm tại Little Garden Spa, tiếp tục trong vai người tiêu dùng, PV yêu cầu nhân viên của Little Garden Spa cung cấp số lô sản xuất thì được thông báo đây là vấn đề bảo mật của doanh nghiệp. Sau nhiều lần hứa hẹn, Little Garden Spa vẫn không thể cung cấp số lô sản xuất của các 8 loại mỹ phẩm mà doanh nghiệp này đã bán cho PV.

Như vậy, việc không ghi số lô sản xuất trên bao bì, cùng với thái độ “lấp liếm” từ chối cung cấp cho khách hàng có đồng nghĩa với việc mỹ phẩm Mint Beauty mà Little Garden Spa đang bán không đảm bảo tiêu chí an toàn sức khoẻ cho người tiêu dùng?

Theo thông tin trên bao bì, mỹ phẩm Mint Beauty được sản xuất tại địa chỉ D2/487D (Vườn Thơm, Bình Lợi, Bình Chánh), đây là địa chỉ của Nhà máy sản xuất mỹ phẩm sạch Havana

Theo tìm hiểu của PV, khoản 14, điều 2 “Giải thích thuật ngữ” (Thông tư 06/2011/TT-BYT quy định về quản lý mỹ phẩm) nêu rõ, số lô sản xuất mỹ phẩm là ký hiệu bằng số hoặc bằng chữ, hoặc kết hợp cả số và chữ nhằm nhận biết lô sản phẩm và cho phép truy xét toàn bộ lai lịch của một lô sản phẩm bao gồm tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất, kiểm tra chất lượng và phân phối lô sản phẩm đó.

Đồng thời, điểm g, khoản 1, điều 18 “Nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn” của thông tư này cũng nêu rõ, số lô sản xuất là thông tin phải được thể hiện trên nhãn sản phẩm mỹ phẩm.

Đến đây, có thể kết luận mỹ phẩm được phép lưu hành trên thị trường, đến tay người tiêu dùng, bắt buộc trên bao bì của sản phẩm đó phải minh bạch số lô sản xuất. Việc ghi chính xác thông tin về số lô sản xuất không chỉ giúp người tiêu dùng tin tưởng sử dụng sản phẩm, mà còn giúp cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện việc kiểm tra, giám sát được thuận lợi hơn.

Do đó, dưới cương vị là doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực làm đẹp, spa, Little Garden Spa vẫn bán mỹ phẩm do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Beauty sản xuất không có số lô sản xuất là đang có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng? Hơn nữa, chất lượng của mỹ phẩm Mint Beauty cũng đang là câu hỏi lớn cần phải được làm rõ nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng…

Trường An t/h (theo tieudung)

 

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục